Nhân dịp Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên cương vị Chủ tịch Hội đồng SEAMEO và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang có chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan (4 - 6/3), cùng điểm lại những dấu mốc quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam - Thái Lan trong thời gian qua.
Biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục
Năm 2004, nhân cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ nhất tại Thái Lan, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Thái Lan đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa hai nước. Theo đó, cuộc họp nhóm công tác chung giữa hai nước lần thứ nhất đã được tổ chức tại Thái Lan và lần thứ hai đã được tổ chức tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này, từ ngày 28/2 - 2/3/2014, Bộ GD&ĐT đã đón tiếp đoàn cán bộ giáo dục Thái Lan do Ngài Chaturon Chaisang - Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan - dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Chương trình học bổng sau đại học
Trước đây, Chính phủ Thái Lan hằng năm đều cung cấp học bổng trình độ thạc sĩ cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2013, Bộ GD&ĐT không nhận được thông báo của phía Thái Lan về chương trình học bổng này nữa.
Bộ GD&ĐT Việt Nam coi trọng chương trình học bổng sau đại học mà Chính phủ Thái Lan dành cho Việt Nam. Mặc dù số lượng học bổng chưa nhiều, nhưng cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy của Việt Nam.
Các chương trình hội nghị, giao lưu, khóa tập huấn tại Thái Lan
Song song với chương trình học bổng dài hạn, Thái Lan cũng mời Việt Nam tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn ngắn hạn, các chương trình giao lưu tại Thái Lan.
Năm 2013, Thái Lan đã chủ trì tổ chức và mời đại diện các nước thành viên SEAMEO tham dự Hội thảo về Hướng tới giáo dục cho những nhóm đối tượng chưa được tiếp cận giáo dục trong khu vực, tại Băng Cốc, ngày 12 và 13/9/2013.
Trong năm 2014, nhằm tăng cường giới thiệu về văn hóa và ngôn ngữ Thái Lan, Bộ Giáo dục Thái Lan mời một đoàn gồm 10 cán bộ, giảng viên của Việt Nam sang tỉnh Sakorn Nakhon, Thái Lan trong thời gian 10 ngày để tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Thái Lan.
Ngoài chương trình học bổng dành cho cán bộ, giảng viên, Việt Nam cũng đánh giá cao những chương trình giao lưu học sinh, sinh viên do phía Thái Lan tổ chức.
Những chương trình giao lưu này rất hấp dẫn và bổ ích, giúp học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Thái Lan nói riêng và các nước ASEAN nói chung hiểu hơn về văn hóa, con người và truyền thống của nhau, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước láng giềng và trong cộng đồng ASEAN.
Chương trình hỗ trợ giảng dạy tiếng Thái tại các trường ĐH Việt Nam
Chính phủ Thái Lan hiện nay đang hỗ trợ 5 trường đại học của Việt Nam dạy tiếng Thái, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), Trường Đại học Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và Đại học Đà Nẵng.
Chương trình hỗ trợ giảng dạy tiếng Thái tại các trường đại học của Việt Nam phần nào đáp ứng nhu cầu đào tạo tiếng Thái của học sinh, sinh viên Việt Nam và góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, công ty của Thái muốn triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho GV Thái Lan
Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Thái Lan thống nhất tổ chức đều đặn các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Thái và người Việt Nam tại Thái Lan đang dạy tiếng Việt trong các trường của Thái Lan hoặc trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.
Hai khóa bồi dưỡng đã được tổ chức thành công vào năm 2010 và 2012 với sự tham gia của gần 40 học viên là giáo viên đang dạy tiếng Việt tại các trường của Thái Lan và trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan.
Năm 2013 và 2014, do hạn chế về kinh phí, phía Việt Nam không cử giảng viên sang tập huấn cho giáo viên tại Thái Lan. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hai khóa tập huấn tại Hà Nội cho giáo viên dạy tiếng Việt từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong đó có giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan.
Tại Hội nghị chuyên gia cao cấp (HOM) của SEAMEO lần thứ 36 tại Băng Cốc năm 2014, Thái Lan đã chủ trì một cuộc họp đặc biệt thông báo về Giải thưởng Công chúa Maha Chakri.
Điểm nhấn năm 2015
Giải thưởng được tổ chức từ Quỹ Công chúa Maha Chakri (Thái Lan) nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của Công chúa vào năm 2015. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang tổ chức tuyển chọn giáo viên để đề cử với phía Thái Lan.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày sinh Công chúa Thái Lan, Bộ GD&ĐT đã cung cấp cho phía Thái Lan một số ảnh tư liệu trong quá trình thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em và thiếu niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Dự án này bắt đầu triển khai từ năm 2006 theo sáng kiến của Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhon, Đại sứ Thiện chí của UNESCO, tại 4 cơ sở giáo dục thuộc diện khó khăn ở miền Bắc Việt Nam.
Được biết, tháng 11/2014, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Trường Đại học Hà Nội đón Phu nhân Thủ tướng Thái Lan đến thăm, trao tặng sách và ấn phẩm cho Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Thái Lan tại Trường Đại học Hà Nội.
5 đề xuất hợp tác trong thời gian tới
Việt Nam và Thái Lan đã trở thành đối tác chiến lược, trong thời gian tới, hai Bộ cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
1. Tăng cường hơn nữa hợp tác học thuật giữa hai nước như trao đổi cán bộ làm công tác giáo dục, sinh viên, học sinh (thông qua các chương trình giao lưu sinh viên, thanh niên) và các chương trình đào tạo; Thái Lan tiếp tục cấp học bổng đi học thạc sĩ (và nếu có thể mở rộng cấp học bổng đi học đại học và tiến sĩ), học bổng đi dự các khóa đào tạo ngắn hạn tại Thái Lan cho các học viên Việt Nam.
2. Tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động của Nhóm Công tác chung trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước.
3. Việc giảng dạy tiếng Thái tại các trường đại học của Việt Nam đang được triển khai tốt cũng như việc giảng dạy tiếng Việt tại một số trường ở Thái Lan đang được quan tâm. Sau cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ hai tại Việt Nam năm 2012, hai Bên đã thống nhất sẽ xem xét khả năng thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan tại một số trường đại học của Việt Nam.
Bộ GD&ĐT Việt Nam trân trọng đề nghị Bộ Giáo dục Thái Lan phối hợp cùng triển khai thực hiện việc này. Đồng thời, đề nghị phía Thái Lan xem xét khả năng đưa tiếng Việt vào dạy như một ngoại ngữ trong trường học của Thái Lan.
4. Đề nghị Bộ Giáo dục Thái Lan xem xét, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ giảng dạy của Việt Nam để chuẩn bị cho một cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.
5. Bộ GD&ĐT kiến nghị hai Bộ Giáo dục hai nước xây dựng chương trình kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam và Thái Lan để các cơ sở giáo dục của hai nước có thể chủ động tổ chức cho học sinh, sinh viên, giáo viên gặp gỡ nhau giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm.