Dược phẩm Vinh Gia tài trợ nghiên cứu Vipdervir

GD&TĐ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện công trình nghiên cứu khoa học thuốc điều trị Covid-19 mang tên Vipdervir.

Sản phẩm Vipdervir và Vipdervir C chỉ khác nhau chữ “C”.
Sản phẩm Vipdervir và Vipdervir C chỉ khác nhau chữ “C”.

Công trình này có sự tài trợ của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia. Cùng thời điểm này, trên thị trường xuất hiện sản phẩm Vipdervir C do Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đăng ký.

Vipdervir chưa phải là thuốc

Theo thông cáo báo chí, công trình nghiên cứu khoa học thuốc điều trị Covid-19 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đối với chế phẩm Vipdervir do Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam thực hiện. Nghiên cứu nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Y tế.

Ngày 10/8, đã diễn ra Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đối với chế phẩm Vipdervir. Trước thời điểm này trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm Vipdervir C - là thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đăng ký. Tên 2 sản phẩm này chỉ khác chữ “C” ở cuối.

Theo BS Hoàng Đình Chân, Bệnh viện Hưng Việt: Khi có một thuốc/sản phẩm mới thì phải theo quy trình của Bộ Y tế đã ban hành theo tiêu chuẩn về thuốc. Nếu thuốc đang thử nghiệm thì phải qua 3 quá trình.

Một là quá trình ở phòng thí nghiệm. Hai là thí nghiệm trên những người tình nguyện. Ba là thử nghiệm trên số đông. Sau khi hoàn thành 3 quá trình này thì Bộ Y tế mới xem xét hoạt chất có được lưu hành hay không.

BS Hoàng Đình Chân cho biết: Khi thuốc ở giai đoạn thử nghiệm thì phải ghi mã số. Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn theo quy định mới cấp tên thương mại cho sản phẩm.

Trước sự việc trên, nhiều dược sĩ cho rằng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo với việc công bố luôn tên thương mại của chế phẩm nghiên cứu là quá vội vàng.

Bởi một chế phẩm nghiên cứu có thể thành công, có thể thất bại. Nếu thành công thì phải tập hợp hồ sơ theo quy định tại Luật Dược 2016 để đề nghị Bộ Y tế cấp phép. Sau khi được Bộ Y tế cấp phép với tên thương mại đầy đủ thì chế phẩm đó được gọi là thuốc.

Nhưng ở trường hợp Vipdervir có thể đơn vị nghiên cứu biết trước tên chế phẩm sẽ được Bộ Y tế cấp phép là thuốc. Nếu như vậy thì cần làm xác minh, làm rõ có hiện tượng cấu kết, “sân sau” giữa Bộ Y tế và các công ty dược để trục lợi hay không?

Dược phẩm Vinh Gia có cố tình đặt gần trùng tên?

PGS.TS Lê Quang Huấn, Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam là đơn vị chi tiền cho công trình nghiên cứu này theo phương châm nhà khoa học và doanh nghiệp cùng hợp tác phát triển.

Còn phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm nghiên cứu, cho ra sản phẩm theo thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp.

Về việc chế phẩm đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng đã được đặt tên thương mại gần giống với tên thực phẩm chức năng Vipdervir C cũng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đăng ký.

Ông Lê Quang Huấn cho biết, Vibdervir được nghiên cứu từ trước. Sản phẩm Vipdervir C là do Dược phẩm Vinh Gia đặt tên trùng. Viện đang làm văn bản để Dược phẩm Vinh Gia đổi tên sản phẩm là được.

Nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lập luận: Việc đặt tên thuốc thử nghiệm do đơn vị nghiên cứu chủ động, miễn là nó không trùng với công ty khác.

Có ý kiến sẽ cho rằng, cái tên Vipdervir hay Vipdervir C có lẽ đã nằm trong dự tính trước của nhà nghiên cứu và Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia.

Theo thông tin trên trang web của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia thì đơn vị này đang phân phối các sản phẩm như An trĩ vương (dạng viên và dạng gell - với 2 đăng ký là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm), Men vi sinh Golden Lab, Omega 3 Vinh Gia, Đông trùng hạ thảo Vinh Gia, Womansure1, Oillan...

Sau khi có phản ứng từ dư luận, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đã có văn bản đề nghị báo chí truyền thông, cá nhân, tổ chức đăng thông tin sai sự thật, gây tổn hại uy tín, danh dự, gây thiệt hại cho công ty ngay lập tức cải chính.

Tại văn bản đăng trên website, Dược phẩm Vinh Gia khẳng định sẽ gửi đơn tố cáo tới cơ quan Nhà nước để xử lý các cá nhân, tổ chức nếu không xóa bài đăng theo đề nghị của công ty này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...