Dùng WebGIS quản lý tên đường

GD&TĐ - WebGIS cung cấp cho người dùng các thông tin liên quan đến tên đường như định vị GPS, chỉ dẫn đường, các thông số kỹ thuật và ý nghĩa tên đường…

Hệ thống WebGIS được cho là giải pháp quản lý tên đường khoa học nhất hiện nay.
Hệ thống WebGIS được cho là giải pháp quản lý tên đường khoa học nhất hiện nay.

Biến hệ thống chằng chịt thành đơn giản

Hệ thống thông tin địa lý dựa trên web (WebGIS) là sản phẩm của TS Trương Hoàng Trương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM và cộng sự. Đây là một trong những giải pháp cho phép quản lý, phân tích, cập nhật, phân phối thông tin bản đồ và thông tin địa lý trên Internet.

Theo TS Trương Hoàng Trương, hệ thống giao thông tại TPHCM là một mạng lưới đồ sộ, phủ chằng chịt khắp trên vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hóa.

Kéo theo đó là một hệ thống tên đường rất phức tạp, gồm khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.

Tác nhân tạo nên sự phức tạp của hệ thống tên đường tại TPHCM không chỉ là do quy mô to lớn của đại đô thị này, mà còn là những dấu vết để lại của lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển.

Hiện nay, ngoài 38 tên đường không chính xác, hiện có 311 đường trùng tên (với 132 tên đường) và nhiều đường mang tên không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ.

Điều này gây phiền toái, khó khăn cho người dân trong việc tìm kiếm thông tin, địa chỉ liên lạc. Đồng thời, công tác quản lý hành chính như quản lý số nhà, giấy tờ hành chính... cũng gặp những khó khăn nhất định.

“Các khu đô thị mới hình thành kéo theo xuất hiện nhiều khu dân cư, nhiều đường mới, nhưng quỹ tên đường cùng các thủ tục chưa đáp ứng kịp sự phát triển này”, TS Trương nhận định. Ông cho rằng, điều đó dẫn đến nhiều đường không có tên, tên đặt tự phát không đúng chuẩn...

Theo TS Trương, ở khu vực trung tâm thành phố, các tuyến đường hiện ổn định, không phát sinh và cần đặt tên mới. Nhưng đang có tình trạng tên đường bị sai hoặc trùng.

Qua khảo sát, trong số 38 đường có tên không chính xác, nhiều nhất ở Quận 1 và 5, với tổng 14 tuyến, như Lê Thánh Tôn (chính xác là Lê Thánh Tông), Hồ Huấn Nghiệp (chính xác là Hồ Huân Nghiệp), Ký Hòa (Chí Hòa)... Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cũng đã đề xuất đổi tên các tuyến đường trên.

Theo Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM, việc ứng dụng công nghệ GIS vào hệ thống đường và công trình công cộng hiện đã phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa có công cụ WebGIS hỗ trợ quản lý tên đường, công trình công cộng. Do đó, hệ thống WebGIS cần thiết cho việc quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường ở thành phố, hạn chế tình trạng tên đường không đúng chuẩn.

Số hóa quản lý tên đường

Theo TS Trương, phần mềm WebGIS của nhóm dựa trên nền tảng mã nguồn mở, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý lại tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như phí duy trì hàng năm.

Phần mềm hỗ trợ thiết lập cơ sở dữ liệu GIS đường, công trình công cộng, thu thập bổ sung thông tin tọa độ và số hóa chúng. Người dùng có thể nhập dữ liệu, tích hợp các thông tin liên quan về mô tả, lịch sử đường, công trình công cộng và biên tập bản đồ đường…

Về tính năng quản lý, phần mềm này cho phép nhà quản lý có thể tìm kiếm, xem, cập nhật thông tin đường và công trình công cộng theo thực tế; sẵn sàng cập nhật và bổ sung tên đường vào ngân hàng tên đường phục vụ cho công tác đặt - đổi tên đường.

Đặc điểm của một hệ thống WebGIS là cho phép quản lý nhiều bản đồ. Người dùng có thể chọn và mở bất kỳ một bản đồ, chương bản đồ nào nằm trong CSDL.

Có thể bật tắt các lớp, nhóm các lớp thông tin và xem định nghĩa hiển thị lớp, thanh tỷ lệ của một bản đồ; thực hiện các thao tác phóng to, thu nhỏ, dịch chuyển, hỏi đáp, tìm kiếm, cho phép chọn lọc, tìm kiếm thông tin, đo khoảng cách các đối tượng.

Ứng dụng cho phép tìm kiếm đối tượng trên bản đồ, cập nhật thông tin, cập nhật trực tiếp các thông tin thuộc tính của một đối tượng trên trang web.

Ví dụ như các chỉ tiêu về dân số, kinh tế, đầu tư của một huyện; thêm mới một điểm (trường học, bệnh viện, bưu điện…), một đường, một polyline hay polygon, nhằm phục vụ cho các mục đích thu thập số liệu, điều tra theo dõi trên diện rộng.

Khi có thông tin thay đổi, hệ thống sẽ tự cập nhật và tạo nên biểu đồ tương ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ