38 tên đường không chính xác
Mới đây Sở Văn hóa và Thể thao (Sở VH&TT) TPHCM có báo cáo UBND TPHCM kết quả nghiên cứu của Đề án Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020.
Theo báo cáo, hiện trên địa bàn TPHCM có 38 tên đường không chính xác. Để có cơ sở khoa học đề xuất chỉnh sửa, đơn vị này đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử TPHCM về 38 tên đường này.
Trong đó, 38 tên đường không chính xác được phân thành 4 nhóm. Nhóm 1 gồm 5 đường mà nhân vật trên bảng tên đường sai so với quyết định của UBND TPHCM, gồm: Bùi Hữu Diện, Đoàn Minh Triết, Đỗ Quang Cơ, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Trọng Trí.
Tên đúng theo quyết định là Bùi Hữu Diên, Đoàn Triết Minh, Đỗ Cơ Quang, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Trọng Trì. Đối với trường hợp này, Sở VH&TT TPHCM đề xuất Sở GTVT TPHCM điều chỉnh lại bảng tên đường cho đúng với tên nhân vật lịch sử theo quyết định của UBND TPHCM.
Nhóm 2 có 6 đường, do quyết định của UBND TPHCM sai họ tên nhân vật lịch sử: Dương Tự Quán - tên đúng là Dương Tụ Quán; Phan Khiêm Ích - tên đúng là Phạm Khiêm Ích; Lê Đình Quản - Nguyễn Đình Quản; Hoàng Xuân Hoành - Hoàng Xuân Hành… Đối với trường hợp này, Sở VH&TT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM có quyết định điều chỉnh lại cho chính xác theo tên nhân vật.
Nhóm 3 có 8 đường: Các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác, cần điều chỉnh cho đúng, như: Kha Vạn Cân - tên đúng là Kha Vạng Cân; Lương Nhữ Học - Lương Như Hộc; Trương Quốc Dung - Trương Quốc Dụng… Đối với nhóm này, Sở VH&TT TPHCM đề xuất trình HĐND TPHCM đổi tên đường cho chính xác theo các tên nhân vật lịch sử.
Thực tế, kỹ sư Kha Vạng Cân (1908 - 1982) là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Nam Bộ, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp.
Sau năm 1975, ông giữ chức Trưởng ban Khoa học và Kỹ thuật TPHCM từ năm 1976 đến 1978. Tên của ông được đặt cho một con đường lớn tại quận Thủ Đức. Tuy nhiên, trên biển ghi tên đường đã ghi sai tên ông thành Kha Vạn Cân.
Hay Lương Như Hộc (1420 - 1501) là một vị quan, danh sĩ thời hậu Lê - là người hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc. Ông có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (tỉnh Hải Dương ngày nay) khiến nghề in nơi đây trở nên phát triển. Ông được tôn xưng là “ông tổ” nghề khắc ván in. Hiện tên đường ở Q.5 ghi sai tên ông là Lương Nhữ Học.
Nhóm 4 có 19 đường, là các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy, như: Đoàn Như Hài là tên khác của nhân vật Đoàn Nhữ Hài; Hà Tôn Quyền - Hà Tông Quyền; Ký Hóa - Chí Hòa; Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông; Nơ Trang Long - N’Trang Lơng; Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân; Tôn Đản - Tông Đản; Lê Đại Hành - Lê Hoàn; Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm… Đối với nhóm này, Sở VH&TT TPHCM đề xuất giữ nguyên các tên đường đang hiện hữu để tránh xáo trộn, gây ảnh hưởng đến người dân.
Riêng đường Trương Đình Hợi (Q.4, TPHCM) được đề nghị thay thế bằng tên khác vì trong lịch sử không có nhân vật mang tên này và ở Q.8 đã có đường Trương Đình Hội.
Rắc rối cách đặt tên đường
Trước đó, báo cáo UBND TPHCM về đề án trên, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển (TPHCM) cho biết, toàn TPHCM có hơn 1.770 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường không có ý nghĩa, trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật. Ngoài ra, gần 50 đường mang các tên khác nhau của 16 nhân vật như Trần Hưng Đạo - Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ - Quang Trung, Học Lạc - Nguyễn Văn Lạc...
Nhiều tên đường trùng nhau như Cao Thắng, An Dương Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, chẳng hạn đã có đường Hoàng Hoa Thám ở Q.Bình Thạnh, lại có Hoàng Hoa Thám ở Q.Tân Bình… Thậm chí còn có những tên đường như: Sư Vạn Hạnh rồi Sư Vạn Hạnh nối dài, Trần Hưng Đạo rồi Trần Hưng Đạo B… rất rối rắm.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (cựu ủy viên thường trực Hội đồng đặt đổi tên đường TPHCM giai đoạn 1995 - 2005), sau ngày đất nước thống nhất, TPHCM được hợp nhất từ hai đơn vị hành chính TP Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Do đó, khi cả hai nhập lại TPHCM mới có sự trùng lặp tên đường giữa các quận, thậm chí trong một quận.
Năm 1995, UBND TPHCM quyết định thành lập Hội đồng đặt đổi tên đường mới với 20 thành viên kiêm nhiệm. Ban đầu, hội đồng được chỉ đạo mỗi tên chỉ đặt cho một đường.
Nhưng nếu làm như vậy sẽ gây xáo trộn lớn, làm khổ, làm thiệt đồng bào, nhất là về giấy tờ hộ tịch, bằng cấp, bất động sản nên đành chấp nhận nguyên tắc: Tên đường được trùng nhau giữa các quận, huyện nhưng không được trùng trong một quận huyện (nếu có sẽ phải đổi). Còn một số tên bị sai như Trương Quốc Dụng đặt sai thành Trương Quốc Dung đã có từ trước, chưa sửa đổi kịp.
Nói về những nguyên nhân, chưa sửa kịp những tên đường bị sai thời đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho rằng thời kỳ ông làm, trong 5 năm chỉ đặt đổi được hơn 800 tên đường, vì chậm ở khâu xét duyệt của HĐND TPHCM.
Thời điểm này, theo ông Tư, trong các phiên họp của HĐND, mục xét duyệt tên đường được đặt sau cùng vì có nhiều nội dung quan trọng, cấp bách hơn. Khi tới mục tên đường, hết thời gian nên hoãn lại kỳ họp sau, rồi kỳ họp sau nữa trong khi đó tốc độ đô thị hóa quá nhanh, đường sá xuất hiện ngày càng nhiều. Đó chính là nguyên nhân tại sao lại có nhiều con đường mang tên số 1, số 2, số 3...
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khắc Thuần (Ủy viên Thường trực Hội đồng đặt tên đường TPHCM), hiện nay việc đặt, đổi tên đường được Hội đồng đặt tên đường TPHCM thực hiện dựa theo nguyên tắc: Thứ nhất, người được đặt tên đường thực sự có công lao với đất nước, dân tộc.
Tuy nhiên, quan điểm người có công cần được nhìn nhận, bình xét dựa trên yếu tố lịch sử. Ví dụ, những người sống dưới thời nhà Nguyễn thì tất nhiên phải chống nhà Tây Sơn.
Nói gì thì nói, điều quan trọng là họ thực sự có công đối với văn hóa đất nước. Chẳng hạn: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định... thì cũng cần phải có sự thông cảm. Vấn đề là sự cống hiến của họ khách quan, cống hiến đó xứng đáng được đề cao.
Thứ hai, việc đặt tên đường khi người được đặt tên phải qua đời hơn 10 năm, khi mọi thứ đã lắng lại. Ở TPHCM cũng có những trường hợp đề xuất đặt tên đường khi nhân vật được đặt tên vừa mất hay thậm chí còn sống nhưng không được Hội đồng đặt tên đường TPHCM ủng hộ, trừ những trường hợp hết sức đặc biệt.
Tên đường ở TPHCM không chỉ là tên của các danh nhân, người có công mà còn là tên của nhiều địa danh lịch sử, một số khái niệm được tôn kính, tên làng, thậm chí là tên một số loài cây như ở Q.Phú Nhuận có đường Hoa Lan, Hoa Phượng…
Đặc biệt, cũng có trường hợp hy hữu như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời ngày 15/6/2016, nhưng đã có một tên đường ở Q.2 (TPHCM) từ trước khi ông qua đời hơn 15 năm. Điều này là sai về nguyên tắc.