Gắn mã QR cho tên đường: Cách giáo dục văn hóa, lịch sử thiết thực

GD&TĐ - Nhiều tuyến đường vừa được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM lắp thí điểm bảng tra cứu thông tin tên đường, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử thông qua mã QR.

Tên đường có gắn mã QR.
Tên đường có gắn mã QR.

Tích hợp nhiều thông tin hữu ích

Bảng mã QR code có kích thước 8 x 8cm được dán góc trên cùng bên trái của bảng tên đường. Sở GTVT TPHCM đã thử nghiệm gắn tại 6 giao lộ ở Quận 1 từ ngày 13 đến 15/10. 6 trục giao lộ tên đường có mã QR gồm: Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn – Pasteur, Lý Tự Trọng – Pasteur, Lý Tự Trọng – Đồng Khởi, Nguyễn Du – Đồng Khởi và Lê Duẩn – Công xã Paris.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, người dân có thể đứng cách bảng tên đường 4 mét, quét mã ở tầm cao 2 mét hoặc phóng đại camera điện thoại là thiết bị có thể nhận dạng và tra cứu thông tin. Về quy trình, nội dung tiểu sử tên đường do Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM cung cấp. Sau đó, nó được tạo mã quét QR code riêng cho từng tuyến đường và được dán tích hợp lên biển báo tên đường. 

“Người dùng có thể cài đặt các phần mềm tra cứu mã QR code chuyên dụng. Có thể sử dụng phần mềm tích hợp sẵn trên điện thoại thông minh. Chỉ cần mở phần mềm đọc mã và chụp ảnh mã QR code trên bảng thông tin tên đường là có thể truy cập liên kết để xem thông tin. 

Mã QR được làm bằng vật liệu giấy phản quang nên rất bền. Nếu không bị vật lạ che khuất thì sẽ rất nhạy. Xuất thông tin gần như ngay lập tức. Hiện dự án đang trong quá trình thí điểm và sẽ phát triển thêm nhiều tính năng” - ông Lâm nói. 

Nguyễn Hải Long - sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nhận xét, đây là một ý tưởng hay. Nó giúp người dân và khách du lịch biết thông tin về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, vị trí mã QR gắn hơi cao, kích thước nhỏ gây khó khăn khi tra cứu. 

“Nhiều người đi đường cũng băn khoăn không biết mã QR này để làm gì. Vì vậy cần phải truyền thông để người dân biết được tiện ích này”, Long nói.

Trải nghiệm thực tế cho thấy, khi quét ở khoảng cách 3 mét với bảng tên đường, điện thoại sẽ cho kết quả nhanh sau 3 giây. Còn ở vị trí xa hơn, việc quét thông tin khó khăn, phải phóng to hình ảnh, mất nhiều thời gian mới có kết quả.

“Em dùng điện thoại quét phải 4 - 5 lần. Khi dùng ứng dụng này thì buộc phải đưa điện thoại lên cao. Điều này hơi bất tiện vì có thể tiềm ẩn nguy cơ bị cướp giật nếu mất tập trung. Vì vậy, em nghĩ mã quét QR nên được dán thấp hơn” - Phương Anh, bạn của Long cho biết. 

Đẩy mạnh hơn việc giáo dục văn hóa, lịch sử

Truy xuất thông tin một tên đường bằng điện thoại.
Truy xuất thông tin một tên đường bằng điện thoại.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM cho rằng, việc tích hợp thông tin nhân vật được đặt tên đường là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục các giá trị văn hóa, lịch sử. Theo cô Hương, đây là việc nên làm và nhân rộng ra khắp mọi tuyến đường. Bởi nó có tính hiệu quả trong khi ít tốn kém.

“Hiện phần lớn học sinh đều có điện thoại thông minh. Vì vậy, việc tích hợp thông tin tên đường với nhân vật lịch sử qua mã quét QR sẽ giúp người tra cứu dễ dàng tìm hiểu. Quan trọng hơn qua việc tích hợp này người truy xuất tên đường còn được nắm rõ hơn về lai lịch, công trạng các nhân vật lịch sử - văn hóa. 

Với học sinh, sinh viên đây thật sự là những thông tin hữu ích và có giá trị. Bởi nếu việc sử dụng, quét, tra xuất thông tin tên đường thành một thói quen, sẽ giúp các em nhớ thêm nhiều về các cứ liệu lịch sử. Việc này lâu dần sẽ định hình những giá trị nhất định trong học sinh. Giúp các em thấy yêu lịch sử, văn hóa và dân tộc mình nhiều hơn” – bà Hương chia sẻ.

Hào hứng truy xuất dữ liệu tên đường thông qua việc quét mã QR ngay khi nhân viên Sở GTVT TPHCM gắn lên, em Trần Thái Dương - học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM cho biết cảm thấy rất thích thú.

Ngoài việc biết rõ lịch sử ra đời và việc đặt tên cho con đường, em còn nắm sơ lược về công trạng của nhân vật lịch sử được gắn tên. Theo Dương, đây là một sự tích hợp rất bổ ích, có giá trị giáo dục cao với học sinh.

Thực tế, trước đây một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chú thích tiểu sử, công trạng những danh nhân ngay phía dưới bảng tên đường.

Điều này giúp người dân, khách du lịch khi lưu thông, qua đường dễ dàng nắm và hiểu về lịch sử, văn hóa và công lao của người được đặt tên đường.

Vì vậy, việc TPHCM đưa các thông tin dưới dạng mã QR (tích hợp nhiều tiện ích công nghệ), theo ông Lê Hoài Trung - cán bộ phụ trách văn hóa phường 8, quận Gò Vấp là điều rất tốt, nên nhân rộng.

“Chúng ta đã và đang dùng nhiều giải pháp để giúp học sinh thêm yêu mến môn Lịch sử. Việc tích hợp các thông tin lịch sử vào tên đường giúp người dân dễ dàng nắm thông tin. Các bài học, giá trị lịch sử được tích hợp thông qua việc quét mã QR sẽ giúp học sinh dễ dàng cập nhật, gia tăng thêm vốn kiến thức lịch sử. Đây là việc làm rất ý nghĩa cần nhân rộng”, ông Trung nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...