Đừng vội "vượt rào"

GD&TĐ - Mới đây, UBND thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã ban hành quyết định xử phạt Trường Tiểu học, THCS tư thục Nguyễn Khuyến 15 triệu đồng vì bắt học sinh đến trường khi địa phương đã có quyết định tạm ngưng hoạt động của các cơ sở giáo dục để phòng dịch. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời tạo sự răn đe chung trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực chống dịch như chống giặc. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) kiểm tra và phát hiện tại Trường Tiểu học, THCS tư thục Nguyễn Khuyến có hơn 800 học sinh tập trung. Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường,  tập trung học sinh là để chuẩn bị năm học mới, hướng dẫn phương pháp học online. Nhà trường vẫn bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch như cho học sinh đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, các lý do của nhà trường nêu ra đều không thuyết phục. Cũng tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), trường tiểu học tư thục khác có tên Âu Cơ cũng cho học sinh trở lại trường trái quy định. Địa phương này đang tiến hành kiểm tra và xử lý.

Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho tất cả các lĩnh vực, đối với ngành Giáo dục, các trường ngoài công lập bị tác động nhiều nhất. Học sinh không đi học đồng nghĩa với việc nhà trường không thu được học phí, bài toán cân đối tài chính không đạt được. Câu chuyện  không ít trường tư thục qua mùa Covid đợt 1 phải sang nhượng, hoặc phá sản là một minh chứng. Mong muốn sớm tái lập hoạt động giáo dục bình thường của các trường là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nôn nóng cho học sinh tập trung tựu trường sớm trong khi chính quyền đang có lệnh tạm ngưng vì dịch bệnh phức tạp, lại là việc làm vi phạm pháp luật. 

Thực tế cho thấy, mặc dù được phép tựu trường sớm hơn trường công lập 4 tuần (từ khoảng 1/8) nhưng hiện nay số đông các trường tư thục ở vùng có dịch vẫn quyết định lùi đến cuối tháng 8, đầu tháng 9. Dù điều kiện tài chính khó khăn nhưng với các trường, quan trọng nhất vẫn là sức khỏe, sự an toàn của giáo viên, học sinh và rộng ra là của cả cộng đồng. Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: Quyết định dời lịch tựu trường rất khó khăn với trường tư thục, đặc biệt trong bối cảnh nhà trường phải xoay xở để có tiền trả lương cho giáo viên trong ba tháng học sinh không đến trường của đợt dịch đầu. Tuy nhiên, trường vẫn quyết định lùi lịch tựu trường để bảo đảm an toàn, góp phần vào công tác phòng chống dịch chung của cả xã hội.

Chỉ còn khoảng chục ngày nữa, năm học mới bắt đầu theo kế hoạch. Liệu ở  vùng có dịch, với diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta có tiếp tục dời lịch nữa không và dời đến lúc nào? Liệu có trường tư thục nào ở vùng dịch quá khó khăn lại nôn nóng “vượt rào”? Khai giảng và tựu trường trực tuyến ở các vùng có dịch đã được Bộ GD&ĐT tính đến. Đã đến lúc các đơn vị giáo dục phải chủ động kế hoạch để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. 

Sẵn sàng tâm thế cho tựu trường và dạy học trực tuyến khi địa phương còn dịch bệnh là phương án tốt nhất để vừa bảo đảm phòng chống dịch nhưng vẫn duy trì việc dạy học theo kế hoạch, đồng thời tháo gỡ cả khó khăn về nguồn thu đối với các trường tư. Thời điểm này thuận lợi hơn đợt trước vì các trường đã có trải nghiệm dạy học trực tuyến và Bộ GD&ĐT đang xúc tiến xây dựng quy chế dạy học online ở bậc học phổ thông, đưa phương thức này trở thành chính thức trong nhà trường. Đây là cơ hội để các trường ngoài công lập chuyển đổi số sớm, thay vì nôn nóng “vượt rào”, vi phạm quy định phòng chống dịch như một vài đơn vị đã làm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.