Chỉ mong con tốt hơn
Ở nhà “nhất mẹ nhì con”, thế nên đến trường mỗi khi trẻ mắc lỗi, cô có rầy la một chút một số phụ huynh lại có xu hướng bênh con mà không suy xét cẩn thận. Chị Lan Anh nhà ở khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) chia sẻ: cùng đón con nhỏ tại sân trường, một phụ huynh có con học cùng lớp bày tỏ bức xúc với chị về việc cô giáo chủ nhiệm hay yêu cầu con chị chép lại bài sau mỗi giờ học.
Con trai chị có tính cẩu thả nên trong những tiết chép chính tả, hay tập viết cu cậu thường viết thật nhanh rồi quay sang trêu chọc các bạn cùng bàn. Cô giáo đã phê bình nhiều lần, song cậu vẫn thường xuyên vi phạm. Trong cuộc họp phụ huynh cô có nhắc nhở phụ huynh với mục đích cùng kết hợp với cô để uốn nắn con. Tuy nhiên, có lẽ vì cô trao đổi thẳng thắn trên lớp nên phụ huynh không hài lòng về điều này. Chị phụ huynh còn cho rằng, vì cô giáo có thành kiến với con nên hay để ý những lỗi vặt vãnh rồi phê bình và phạt con.
Cũng có khá nhiều câu chuyện xung quanh việc phụ huynh và cô giáo không có tiếng nói chung. Có cô giáo luôn yêu cầu học sinh phải tuyệt đối trật tự trong giờ học. Thế nên những học sinh hiếu động, lơ là bài giảng của cô đến khi được gọi phát biểu không trả lời được tất nhiên cô sẽ không hài lòng. Nếu lặp lại chuyện này chắc chắn cô sẽ có tâm trạng không thoải mái và việc trách mắng phê bình là đương nhiên.
Đôi khi phụ huynh không được nghe từ cô mà thông qua con trẻ, nên cho rằng cô không yêu thương con mình mà tìm cách trù úm. Thế nên mới có chuyện phụ huynh xin đổi lớp cho con. Lại có chuyện phụ huynh bày tỏ sự bất bình vì cô mắng con mình “vừa lười vừa ngốc.” Có thể do áp lực công việc cùng với mong muốn đưa trẻ vào nề nếp thật nhanh nên mới cô giáo mới có những lời lẽ chưa thật chuẩn mực như vậy. Trong tình huống này nếu phụ huynh và cô cùng ngồi lại trao đổi sẽ giúp học sinh tiến bộ hơn.
Giáo dục trẻ phải từ hai phía
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, Trung tâm Cá siêu quậy tại Hà Nội đã bày tỏ: Sự thật là lâu nay, cứ hễ có một chuyện gì liên quan đến trẻ, lập tức mọi người đều phản ứng đòi xử lý người lớn và bênh vực trẻ. Điều này giống như khi va chạm trên đường giao thông, cứ xe lớn thì có lỗi còn xe nhỏ thì vô tội. Có nhiều trường hợp sự bênh vực và bao dung trở nên quá đà. Các phụ huynh sẵn sàng bày tỏ những bất bình với giáo viên, mà quên mất con mình với tội lỗi nhưng lại rất ung dung vì được bênh vực. Tuy nhiên, có khi sự bênh vực và bao dung lại trở thành mầm mống những sai lầm liên tiếp của trẻ sau này.
Có trường hợp trẻ hư rõ ràng, nhưng khi cô giáo bực bội thì lập tức cha mẹ lại bênh và nói: “nó còn nhỏ nó biết gì” (dĩ nhiên, trẻ còn nhỏ không biết mới cần phải dạy dỗ). Có mẹ thấy cô giáo nhận xét con không hay về con mình đã cho rằng, cô mới quen thì làm gì hiểu con. Thế nên, phụ huynh tìm cách đổ lỗi cho cô, mà không nhận ra rằng, cô đang tìm cách giúp trẻ tiến bộ .
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cũng cho rằng: Các thầy cô giáo rất mong sự hợp tác của các cha mẹ, nhìn trúng, nhìn rõ những vấn đề của con đề cùng cô giải quyết cho con hiểu. Rõ ràng, khi con không ổn, các cô cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy vì các cô cũng chỉ có trách nhiệm giáo dục con trong thời gian ngắn. Con hư thì chính con và cha mẹ khổ. Vì vậy, các phụ huynh nên dẹp tự ái cá nhân của mình, cùng hợp tác với thầy cô để họ hoàn thành trách nhiệm đứng lớp.
Việc giáo dục trẻ phải có sự hợp tác từ hai phía. Trong một cơ sở giáo dục hay một lớp học cần có những nội quy, quy định rõ ràng thì mới duy trì được nề nếp. Để gia đình hợp tác hiệu quả với thầy cô trong quá trình giáo dục con, vào đầu năm học nhà trường và giáo viên cần thông báo để phụ huynh hiểu rõ những điều này.