Dùng thuốc thông mũi hàng ngày là bảo vệ con hay hại con?

GD&TĐ - Nhỏ thuốc mũi cho trẻ là thói quen của nhiều bậc cha mẹ nhằm loại bỏ chất nhầy, tiêu trừ vi khuẩn.

Không nên dùng thuốc thông mũi cho trẻ dưới 6 tuổi và thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. (Ảnh: ITN)
Không nên dùng thuốc thông mũi cho trẻ dưới 6 tuổi và thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. (Ảnh: ITN)

Tuy nhiên, việc lạm dụng nhiều sẽ khiến niêm mạc mũi bé tổn thương, ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên lạm dụng nhiều.

Lý do cha mẹ không nên nhỏ mũi hàng ngày cho bé

Theo sciencedaily.com, cha mẹ không cho trẻ nhỏ dùng thuốc thông mũi khi có triệu chứng cảm lạnh thông thường.

Cụ thể, không nên dùng thuốc thông mũi cho trẻ dưới 6 tuổi, và thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, vì không có bằng chứng nào cho thấy chúng làm giảm các triệu chứng như nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Hơn nữa, độ an toàn của chúng không rõ ràng.

“Có nên nhỏ mũi hàng ngày cho các bé không?” là câu hỏi mà PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai thường gặp.

Ông nói: “Nhỏ mũi hàng ngày cho trẻ là hoàn toàn không nên. Đó là bởi vì cấu trúc niêm mạc mũi của chúng ta có một hệ thống bao gồm lông chuyển, tế bào biểu mô, hệ thống miễn dịch. Khi virus xâm nhập vào mũi thì hệ thống miễn dịch vận động ngay lập tức.

Đó là khả năng bẩm sinh của cơ thể. Các tế bào miễn dịch sẽ chạy đến chỗ đó để tiêu diệt virus. Ngay cả khi trẻ nhiễm bệnh và dịch trong mũi ở mức độ vừa phải, thì đó chính là thứ để tiêu diệt con virus, vi khuẩn. Điều đó giúp bệnh mau khỏi hơn. Thế nên đừng có rửa đi vì đó là thứ dịch có lợi chứ không phải dịch có hại.”

Sử dụng thuốc thông mũi lâu dài có thể dẫn đến nghẹt mũi mãn tính, rất khó điều trị.

Sử dụng thuốc thông mũi lâu dài có thể dẫn đến nghẹt mũi mãn tính, rất khó điều trị.

Theo sciencedaily.com, thay vì nhỏ mũi cho bé, bác sĩ thường trấn an bệnh nhân rằng cảm lạnh gây khó chịu nhưng các triệu chứng sẽ qua sau vài ngày.

Trẻ em bị cảm lạnh khoảng 6-8 lần mỗi năm và người lớn khoảng 2-4 lần. Cảm lạnh thông thường thường do virus gây ra và hầu hết tự khỏi (các triệu chứng rõ ràng sau 7 đến 10 ngày) nhưng nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến công việc, trường học, việc sử dụng các dịch vụ y tế và tiền chi cho thuốc men.

Giáo sư Mieke van Driel và các đồng nghiệp tại Hoa Kỳ đã phân tích bằng chứng được công bố về hiệu quả của các phương pháp điều trị cảm lạnh thông thường.

Cụ thể, đối với người lớn, bằng chứng cho thấy rằng chỉ sử dụng thuốc thông mũi hoặc kết hợp với thuốc kháng histamine hoặc thuốc giảm đau trong tối đa 3 đến 7 ngày có thể có tác dụng nhỏ đối với các triệu chứng ở mũi.

Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể bao gồm tăng nguy cơ mất ngủ, nhức đầu hoặc khó chịu ở dạ dày. Thậm chí, sử dụng thuốc thông mũi lâu dài có thể dẫn đến nghẹt mũi mãn tính, rất khó điều trị.

Paracetamol và thuốc chống viêm (NSAID) đôi khi được kê đơn để giảm đau, nhưng chúng dường như không cải thiện tình trạng nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như xông hơi, echinacea, xoa hơi, dầu khuynh diệp và tăng lượng chất lỏng uống đều không hiệu quả hoặc chưa được nghiên cứu.

Các thử nghiệm cho đến thời điểm hiện tại cũng đang thiếu đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 12 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh thông thường cao nhất.

Tác dụng phụ đáng sợ của thuốc thông mũi đối với trẻ

Các tác giả nghiên cứu cho biết không nên dùng thuốc thông mũi hoặc sản phẩm có chứa thuốc kháng histamine cho trẻ em dưới 6 tuổi và họ khuyên nên thận trọng từ 6 đến 12 tuổi.

Không có bằng chứng nào cho thấy những phương pháp điều trị này làm giảm các triệu chứng ở mũi và chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc khó chịu ở dạ dày. Ở trẻ em dưới 2 tuổi, chúng có liên quan đến co giật, nhịp tim nhanh và tử vong.

Nếu cha mẹ lo lắng về sức khỏe của con mình, việc rửa hoặc nhỏ mũi bằng nước muối có thể được cân nhắc để sử dụng một cách an toàn, nhưng điều này có thể không mang lại hiệu quả giảm đau như mong muốn.

Nhóm tác giả chia sẻ thêm rằng nghiên cứu đang diễn ra khó có thể cung cấp bằng chứng liên quan hoặc giải quyết sự không chắc chắn xung quanh các phương pháp điều trị cảm lạnh thông thường.

Họ kết luận: “Dựa trên những bằng chứng hiện có, việc trấn an rằng các triệu chứng sẽ tự thuyên giảm là điều tốt nhất bác sĩ có thể cung cấp cho bệnh nhân, mặc dù việc sử dụng thuốc thông mũi trong thời gian ngắn ở người lớn có thể giúp giảm bớt tình trạng nghẹt mũi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ