Theo đó, nhóm vấn đề chất vấn đầu tiên thuộc lĩnh vực xây dựng. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Người trả lời chất vấn là Bộtrưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vàBộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ. Người trả lời chất vấn làBộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề cuối cùng thuộc lĩnh vực thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời chất vấn. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chất vấn là hình thức giám sát tối cao, trực tiếp của Quốc hội, nhằm làm sáng tỏ vấn đề, đồng thời xác định rõ trách nhiệm. Bởi vậy, các phiên chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội luôn được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Tại Kỳ họp này, thực hiện phương châm “từ sớm, từ xa”, công tác chuẩn bị được tiến hành sớm hơn rất nhiều so với các kỳ họp trước đây. Cụ thể, phiên chất vấn bắt đầu từ chiều 3/11 nhưng ngay từ ngày 4/10, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực về chuẩn bị tổ chức chất vấn và dự kiến nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội...
Với sự chủ động này, có thể thấy, những vấn đề được chất vấn tại kỳ họp là đúng thời điểm, trúng vấn đề và có trọng tâm. Việc còn lại là những bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn cũng như tham gia giải trình về những vấn đề có liên quan cần chuẩn bị kỹ càng để có câu trả lời đúng và trúng vấn đề; làm rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào? Giải pháp, thời gian, lộ trình thực hiện thời gian tới ra sao để có chuyển biến thực chất.
Đặc biệt, thông qua chất vấn và trả lời chất vấn còn giúp nhìn nhận rõ hơn những vấn đề còn khuyết, còn thiếu, còn trống nhằm hoàn thiện thể chế cũng như chính sách, pháp luật.
Để thực hiện được điều này, bên cạnh nỗ lực vào cuộc “từ sớm, từ xa” của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, rất cần sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh của các Bộ trưởng, trưởng ngành.