Đừng sống hộ

GD&TĐ - Choang! Tiếng rơi vỡ từ bên nhà hàng xóm vang lên chát chúa. Người mẹ hàng xóm hết sức điềm tĩnh cất lên: Không sao đâu con, lần sau mình cẩn thận hơn là được. Mới làm thì ai cũng có thể phạm lỗi như vậy...

Đừng sống hộ

Người phụ nữ trẻ nhẹ nhàng ấy là Linh, hàng xóm của tôi. Cậu con trai nhỏ mới học lớp ba đang bắt đầu giai đoạn được mẹ huấn luyện việc nhà. Cậu bé ấy rất ngoan, gặp người lớn trong con ngõ nhỏ bao giờ cũng khoanh tay chào lễ phép. Thấy các em nhỏ té ngã, biết chạy lại giúp. Điều ấy rất nhỏ nhưng không phải cậu bé cô bé nào lứa tuổi đó đều biết và làm được. Tôi quan sát người bạn nhỏ hàng xóm một thời gian khá dài và thầm thán phục cách dạy con của người mẹ ấy.

Linh nói với tôi: Em phải tập cho con một số kĩ năng sống cơ bản. Kĩ năng đầu tiên đó là chia sẻ và yêu thương. Chị biết không, mỗi lần đi làm về mà thấy mẹ uể oải, mệt mỏi, cu cậu đều biết hỏi thăm, lấy nước rồi chia sẻ việc nhà với mẹ... Linh cười hiền. Người mẹ ấy có một nụ cười thật ấm áp.

Nhưng tôi biết để có thể dạy được con biết chia sẻ yêu thương như Linh nói là cả một quá trình “đối đầu” căng thẳng với bố mẹ chồng. Dù không ở chung nhà, nhưng khi thấy cháu đích tôn hồn nhiên khoe đã biết cắm cơm, lau nhà, rửa bát, dọn dẹp nhà phụ mẹ..., ông bà nội liền nổi trận tam bành. Thậm chí người bố chồng đầy uy quyền của Linh còn tuyên bố: “Nếu mẹ không làm nổi việc nhà thì phải thuê người, không được bắt cháu ông làm”.

Vợ chồng Linh đã giải thích, nhẹ nhàng có, kiên quyết có, nhưng ông bà nhất định không chịu. Mỗi lần về, thậm chí ông bà còn giở tay thằng bé ra xoa xoa một cách xót xa. Linh nhìn vừa buồn cười vừa tức. Nhưng cô nghĩ theo hướng tích cực, đó là do ông bà thương cháu, xót cháu mà thôi. Và điều đó còn hơn khối người không yêu thương gì cháu mình. Nghĩ vậy nên Linh không còn chú tâm nhiều đến việc bố mẹ chồng nói gì.

Một mặt cô giải thích cho con trai hiểu, rằng ông bà rất thương con nhưng ông bà không thể sống mãi để phụ giúp cho con. Rằng mẹ cũng rất yêu con nhưng không thể cả đời này mẹ ở bên con để làm mọi việc cho con được. Vì vậy con cần tự lập. Hơn hết, con là một người đàn ông, mà đã là đàn ông thì phải biết chia sẻ công việc trong gia đình... Cậu bé con hiểu, và may mắn rất có ý thức tiếp thu những gì mẹ nói. Tất nhiên cũng có lúc mải chơi cậu quên việc này việc khác, cũng có lúc nồi cơm cậu cắm mà quên bật nút, có những khi quét nhà xong mẹ lại phải quét lại... Nhưng mẹ Linh vẫn vui vẻ với con.

Khác với hàng xóm bên phải, hàng xóm bên trái nhà tôi lại có cách giáo dục con rất khác. Cô bé con hàng xóm năm nay đã khá lớn, nhưng gần như ngoài công việc vệ sinh cá nhân cô không hề biết làm một công việc gì cả. Đến dọn phòng của mình cô bé cũng không hề động tay. Tất nhiên đó là một gia đình có điều kiện, có người giúp việc và hết sức chiều con.

Có lẽ cũng bởi cô bé học giỏi, năm nào cũng là học sinh giỏi và đạt giải cao trong các cuộc thi. Bố mẹ cô bé gần như đi làm tối ngày và ngoài giờ học, cô bé ở nhà với người giúp việc nên rất ít khi tiếp xúc với hàng xóm, mặt luôn khinh khỉnh lạnh lùng, đôi khi người lớn trong ngõ nhỏ phàn nàn cô bé thậm chí không chào người lớn tuổi. Mẹ cô bé nói: “Con chỉ cần học giỏi là được. Những việc khác không quan trọng. Học giỏi là con sẽ có tất cả”.

Câu nói ấy khiến tôi lại nhớ đến một cô học trò lớp tám của mình. Một lần đưa lớp đi trải nghiệm thực tế, cô bé thấy tôi thốt lên: “Cây vú sữa kia sai quả quá”, em đã thỏ thẻ rất thật thà: “Cô ơi, làm sao để mình phân biệt được cây này với cây kia được ạ?”. Ban đầu tôi bật cười vì nghĩ cô trò nhỏ đang đùa, nhưng không, khi tôi quay sang là một khuôn mặt hết sức nghiêm túc. Cô bé này nhà có điều kiện, được bố mẹ chiều chuộng, cưng nựng như công chúa nhỏ. Cô bé rất giỏi về hát hò nhảy nhót, ăn chơi, trang điểm, về những điểm vui chơi của giới trẻ... nhưng mọi kĩ năng thiết yếu khác hoàn toàn không có.

Tôi hỏi: “Em có phân biệt được các loại cá không, cá trắm cá chép chẳng hạn?”. Cô bé lắc đầu. “Đã bao giờ em nấu cơm chưa?”. Cô trò lại lắc đầu nốt. Tự nhiên tôi thở dài, không biết đến lúc những cái trụ đỡ của đời em là ba là mẹ yếu đi, em bước những bước chân của mình ra sao khi một bữa cơm nấu cho cha mẹ và cho chính bản thân, em cũng chưa hề nghĩ tới.

Như vậy, với mỗi người mẹ rõ ràng đều có quan điểm và cách dạy con khác nhau. Nhưng cơ bản nhất vẫn là hai cách: một là trang bị đầy đủ những kĩ năng thiết yếu để con có thể thích nghi với cuộc sống. Hai là ra sức chiều chuộng, bao bọc che chở thái quá cho con mình. Cách nào của các mẹ thì cũng đều xuất phát từ sự yêu thương con vô bờ bến. Nhưng theo tôi, giỏi kiến thức nhưng lại thiếu kĩ năng sống cũng thật đáng buồn. Đặc biệt là những kĩ năng thiết yếu nhất cho cuộc sống của một con người bình thường.

Bởi vậy, thiết nghĩ, thương con quá nhưng các cha mẹ đừng bao bọc chiều chuộng thái quá, để rồi chúng ta vô tình làm hại các con trong hành trình sống sau này của chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.