Trình xét bảo vật quốc gia 2020: Phố Hiến “lên tiếng”

Trình xét bảo vật quốc gia 2020: Phố Hiến “lên tiếng”

Đĩa vàng thời Lý

Theo Ban di tích tỉnh Hưng Yên, vừa qua tại Hội đồng nhận - mở niêm phong, tiếp cận hiện vật đối với 5 đĩa vàng thời Lý được tìm thấy tại thôn Cộng Vũ (thôn Mụa) xã Vũ Xá (Kim Động) vào năm 1965 khi cải tạo sông Cửu An.

Bộ sưu tập 5 đĩa vàng được chế tạo bằng cách dát mỏng, gò và chạm trổ trên khuôn xỉ cánh kiến, theo phương pháp cổ truyền của nghề hàng vàng. Các đĩa làm theo hình những đĩa khay tròn có nhiều múi: 1 chiếc 29 múi, 3 chiếc 20 múi và 1 chiếc có 16 múi. Kích thước của đĩa không đều nhau, đường kính miệng từ 18,5 - 23,4cm. Trọng lượng của cả 5 đĩa vàng là 1,712kg.

Lòng đĩa tròn phẳng, thành đĩa là hình hoa sen cách điệu do những mối cong nối tiếp uốn lượn xung quanh tạo thành, gờ đế đĩa lượn cong theo hình múi. Họa tiết hoa văn trang trí trên các đĩa chủ yếu là hình chim phượng, hoa cúc dây mang phong cách thời Lý. Ngoài ra còn có một cục vàng nhỏ, là chân đế của một chiếc đĩa.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, bộ sưu tập đĩa vàng là phát hiện khảo cổ quan trọng cần được đánh giá chính xác. Cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020, cùng với 2 hiện vật là trống đồng Động Xá và hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng.

Thuộc hệ thống lịch sử thời Lý, chùa Hương Lãng còn gọi là chùa Lạng thuộc thôn Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm). Tương truyền chùa do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng từ thế kỷ 11.

Chùa Hương Lãng hiện còn lưu giữ nhiều di vật thời Lý rất đặc sắc và độc đáo. Giá trị nổi bật là tượng sư tử, còn gọi là ông Sấm. Tượng được tạo bằng phiến đá lớn, dài 2m80, rộng 1m50, cao 90cm dùng làm bệ cho một pho tượng (chưa xác định) nay không còn nữa.

Hai đầu của phiến đá chạm khắc thành hình đầu và phía sau của con sư tử. Mặt sư tử tạo tác dũng mãnh, mũi to căng tròn, cặp mắt lồi như hai quả trứng, vầng trán cao. Mông sư tử hình tròn, trang trí dày đặc hoa văn xoắn ốc và hoa cúc dây.

Chùa Hương Lãng có mười đôi tay vịn bằng đá, chạm phượng và chồn, hoa cúc dây; bốn cột đá vuông bốn góc đỡ các xà bằng đá của công trình trước đây và nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh sen và hoa cúc.

Tòa đại bái quay hướng chính chùa nhìn ra sông Lạng. Muốn vào trong tòa tiền đường phải qua các bậc thềm, ở đây các bậc thềm, được ngăn cách thành 5 lối bởi 6 thành bậc chạm hình sấu đá nằm quay đầu ra phía trước. Toà tiền đường có kiến trúc kiểu vì kèo con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột. Tất cả các cột đều được kê trên các tảng kê bằng đá trang trí hoa văn hình cánh sen, phong cách thời Lý.

Trình xét bảo vật quốc gia 2020: Phố Hiến “lên tiếng” ảnh 1
Trống đồng Động Xá được xác định thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng Động Xá

Vào cuối những năm 1990, người dân thôn Động Xá, xã Lương Bằng (Kim Động) trong lúc đào ao ở cánh đồng phía Đông Nam đã phát hiện một loạt mộ táng lạ. Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã cử cán bộ về nghiên cứu và đào thăm dò. 

Năm 1997, khai đào con mương dọc cánh đồng cây đa Ông Hàm, tiếp tục phát hiện hơn 70 ngôi mộ trên đoạn mương dài 200m.

Theo thống kê sơ bộ, đã có tới hàng trăm ngôi mộ lạ được phát hiện ngẫu nhiên. Đáng chú ý là những mộ này đều ở tình trạng bảo tồn rất tốt cả quan tài, xương cốt, vải liệm lẫn đồ tuỳ táng. Thành phần cơ bản của bộ đồ tuỳ táng mang phong cách Đông Sơn rõ rệt gồm nhiều thạp, giáo, rìu đồng.

Theo tài liệu của TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, các nhà khảo cổ đã phát hiện được địa tầng nơi cư trú thời Đông Sơn của người Động Xá. Đó là khu vực có độ cao từ 4 - 5m nằm sát liền đoạn mương đào được 70 ngôi mộ tại khu vực cánh đồng cây đa Ông Hàm.

"Tầng văn hóa ở đây được bảo tồn rất tốt, dày khoảng 60 - 80cm chứa nhiều gốm bạc xám kiểu Đường Cồ lẫn gốm in ô vuông kiểu Hán, xương động vật và khá nhiều tàn tích cột tre, đồ dùng tre gỗ và thức ăn thực vật như hạt sấu, bàng, dứa dại, dâu da xoan", TS Nguyễn Việt cho hay.

Cũng trong năm 1997 khi tu sửa bờ mương gần làng, người dân thôn Động Xá phát hiện trong lòng đất 1 trống đồng nguyên vẹn ở độ sâu 2,5m so với mặt ruộng. Chiếc trống đồng phát hiện ở Động Xá vô cùng độc đáo mà theo đánh giá của các nhà khoa học, trống có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.300 năm, thuộc văn hoá Đông Sơn.

Mặt trống trang trí 7 vành hoa văn, hoạ tiết, chính giữa đúc nổi hình sao 9 cánh xen vạch răng cưa, vòng tròn đồng tâm, 4 hình chim lạc, 4 con nhái đúc nổi quay ngược chiều kim đồng hồ. 

Tang trống phình cong, đúc nổi hoa văn hình tròn đồng tâm, vạch răng cưa, hình người chèo thuyền. Hình vẽ người phụ nữ trong trang phục áo dài cổ tròn, mặc váy lộ bắp chân, khuôn mặt đẹp, mũi cao, đeo vòng khuyên tai lớn, tóc quấn trần búi gọn phía sau, buộc theo dải lụa tỏa xuống kéo mái chèo.

Hai mũi thuyền độc mộc cong vênh lên cao, được trang trí bằng vòng tròn đồng tâm. Thân trống thắt, trang trí hình chim mỏ dài đứng trên lưng trâu, đặc biệt là hình trâu có sừng dài đang trong tư thế ăn cỏ, giao phối. Ngăn giữa các ô trang trí là hoạ tiết vòng tròn tiếp tuyến đứng, chấm dài. Trống có 4 đôi quai kép trang trí hoa văn bện thừng, chân trống choãi.

Theo các nhà khảo cổ, trống đồng Động Xá mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Hiện vật chứng minh từ xa xưa các cư dân thời đại Hùng Vương đã từng đến sinh cơ lập nghiệp tại đây. Đồ án trang trí mỹ thuật hiếm hoi, sinh động và độc đáo trên trống thể hiện sự cự thịnh cho nền mỹ thuật kim khí của cư dân Lạc Việt. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ