Là người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, tôi luôn quan tâm tất cả những định hướng, chỉ đạo đổi mới của Bộ GD&ĐT.
Ngay sau khi Dự thảo về kỳ thi THPT quốc gia được công bố, tôi đã nghiên cứu các phương án thi và phương án tổ chức kỳ thi mà Bộ đề xuất.
Phương án 1 là tối ưu với hiện tại
Xem xét một cách toàn diện, tôi cho rằng, phương án 1 vẫn là hợp lý nhất trong bối cảnh và tình hình giáo dục của Việt Nam hiện nay.
Phương án thi này đảm bảo được tính kế thừa, phát huy những ưu điểm của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, là bước dịch chuyển nhẹ nhàng, giúp cả giáo viên, học sinh và những người làm công tác quản lý giáo dục có thể sẵn sàng thích nghi và thực hiện tốt
Với việc chọn tổ chức kỳ thi theo phương án 1, theo tôi ngành giáo dục và dư luận xã hội đừng “nặng nề hóa” kỳ thi. Hãy đặt niềm tin và kiểm soát chất lượng dựa trên trách nhiệm của các sở GD&ĐT, các cơ sở GD ở địa phương. Chính họ mới là người quyết định chất lượng giáo dục của địa phương mình như thế nào.
Nhân đây, tôi cũng đề xuất thêm về việc thi ngoại ngữ (tiếng Anh) bắt buộc với tất cả các vùng. Đây là vấn đề cần cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi điều kiện học tập môn học này đối với học sinh các vùng, miền là không giống nhau, thậm chí chênh nhau rất lớn. Do đó, nên để ngoại ngữ là môn cộng điểm ưu tiên sẽ hợp lý hơn.
Đặt mục tiêu rõ ràng để bứt phá
Về đề thi, theo tôi cần chú trọng hơn nữa vào vận dụng và liên hệ thực tiễn. Việc này cũng là một bước dịch chuyển nhẹ để bắt dần theo lộ trình cải tiến chương trình, sách giáo khoa và đặc biệt là tác động đến cách dạy học của giáo viên.
Chính việc cải tiến cách ra đề thi như kỳ thi THPT vừa qua đã tác động trở lại quá trình giảng dạy, khiến giáo viên tự đổi mới phương pháp dạy học tại các nhà trường phổ thông, trang bị thêm cho giáo viên năng lực dạy và đánh giá học sinh.
Và dần dần, quá trình này cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên, đến một thời điểm chín muồi, tất yếu sẽ theo hướng tích hơp các môn với mục tiêu nâng cao hơn năng lực vận dụng kiến thức, chuyển sang thi theo phương án 2 sẽ là hợp lý.
Tôi mong rằng, chúng ta coi đây là một mục tiêu cần sớm tiến tới, Bộ và các Sở GD&ĐT cần thể hiện rõ quyết tâm, có lộ trình cụ thể để chuyển từng bước vững chắc, tiến tới đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh.