Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ với báo giới trong buổi họp báo tổng kết 2 đợt thi ĐH năm 2014 tổ chức chiều nay (10/7).
4 thành công của kỳ thi ĐH
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, với sự chuẩn bị tích cực, 2 đợt thi ĐH năm 2014 đã diễn ra nghiêm túc và được dư luận đánh giá cao. Trong đó, nổi bật lên 4 thành công cơ bản, từ công tác chuẩn bị, công tác đề thi đến công tác coi thi và sự phối hợp hiệu quả trong tổ chức thi.
Cụ thể, trước kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã cùng phối hợp với các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các trường ĐH đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu và đảm bảo tiến độ tổ chức hai đợt thi ĐH theo đúng lịch công tác tuyển sinh.
Hai đợt thi ĐH vừa qua nổi bật lên 4 thành công cơ bản, từ công tác chuẩn bị, công tác đề thi đến công tác coi thi và sự phối hợp hiệu quả trong tổ chức thi.
Về phía các trường đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, vật lực phục vụ tổ chức thi; các giải pháp bảo mật đề thi, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trường thi được triển khai; các phương án dự phòng được xây dựng để ứng phó kịp thời với các tình huống bất thường. Số hồ sơ ảo cũng giảm.
Các trường ĐH đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, các tổ chức xã hội, thanh niên, sinh viên tình nguyện bảo đảm an toàn về đi lại, ăn ở, an ninh, trật tự cho thí sinh.
Đề thi ĐH của cả hai đợt được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng thi, các điểm thi, phòng thi. Đề thi được các chuyên gia, dư luận xã hội cũng như thí sinh dự thi đánh giá cao.
Công tác tổ chức thi, đánh giá chung, được thực hiện nghiêm túc; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các hội đồng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy chế.
Các bộ, ban ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội và các tổ chức xã hội đã phối hợp tích cực, có hiệu quả; điện nước được cấp ổn định ở tất cả các Hội đồng thi; thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt trước và trong các ngày thi; vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại các khu vực tổ chức thi được các địa phương đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, các bộ chủ quản trường ĐH đã tích cực phối hợp trong tổ chức thi và thanh tra thi.
Giao thông tại các thành phố lớn không để xảy ra sự cố ùn tắc, tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố HCM trong các ngày thi đã được cảnh sát giao thông, thanh niên, sinh viên tình nguyện phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng tới việc tổ chức thi và việc đi lại của thí sinh.
Các đoàn thể, tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện… tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ kì thi có hiệu quả.
Cụ thể, hỗ trợ 83.842 chỗ ở miễn phí; 62.461 suất ăn miễn phí cho thí sinh, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Nhiều trường ĐH cũng hỗ trợ hàng ngàn suất ăn và chỗ ở miễn phí hoặc giá rẻ cho thí sinh… Chương trình tiếp sức mùa thi tiếp tục được triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố.
Cả hai đợt thi, 43.816 thanh niên, sinh viên tình nguyện đã được huy động, tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, hỗ trợ việc ăn ở, đi lại cho thí sinh; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại các khu vực thi…
Đề thi hay, đáp án mở
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời phóng viên báo chí trong buổi họp báo chiều nay (10/7) |
Đề thi ĐH năm nay được đánh giá có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với tối đa thí sinh.
Đặc biệt, dư luận đánh giá cao bởi tính phân hóa, khả năng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng vận dụng liến thức đã học để xử lý vấn đề thực tiễn của thí sinh.
Đặc biệt, đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Anh văn khéo léo lồng ghép các nội dung có tính thời sự liên quan chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ…
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định - khẳng định: Đề mở, phải có đáp án mở. Nếu học sinh biện giải được ý tưởng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật của Việt Nam; lập luận một cách trong sáng, chặt chẽ, thể hiện được sự sáng tạo của mình, các em sẽ được điểm cao hơn.
Đề mở, phải có đáp án mở. Nếu học sinh biện giải được ý tưởng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật của Việt Nam; lập luận một cách trong sáng, chặt chẽ, thể hiện được sự sáng tạo của mình, các em sẽ được điểm cao hơn.
Lộ trình tiến tới 1 kỳ thi quốc gia
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Từ những kết quả bước đầu đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích - xét tốt nghiệp THPT và làm dữ liệu tin cậy cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc tuyển sinh như vậy hoàn toàn không tước đi quyền tự chủ của các trường. Đề án sẽ được đưa ra tham khảo dư luận trong thời gian tới.
Trước một số ý kiến cho rằng, có một số trường “lưu luyến” 3 chung, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Luật Giáo dục ĐH quy định rõ quyền tự chủ của các trường ĐH, trong đó có quyền được lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp vào học. Nếu kỳ thi “3 chung” tiếp tục, các trường sẽ bị động, không phải huy được quyền tự chủ.
“Bộ GD&ĐT yêu cầu trong tháng 9 này, các trường trên cả nước phải gửi về Đề án tuyển sinh riêng về Bộ” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Còn với câu hỏi: Việc tự chủ tuyển sinh như vậy liệu có giúp trường ngoài công lập thoát khỏi khó khăn tuyển sinh? Thứ trưởng trả lời: Việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như uy tín của trường, vị trí địa lý…, không phải thay đổi tuyển sinh là các trường khó khăn lập tức lấp đầy chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu quan tâm nâng cao chất lượng, các trường sẽ có thể cải thiện, tuyển được đủ thí sinh.
Kiểm soát chất lượng trường tuyển sinh riêng
Cũng trong buổi họp báo, Bộ GD&ĐT đưa thông tin: Năm nay có 62 đề án tuyển sinh riêng của các trường được xác nhận phù hợp với quy chế. Các trường đã triển khai đề án tuyển sinh riêng theo kế hoạch.
Bước đầu, quy định tuyển sinh riêng đã phát huy hiệu quả tích cực; một số ngành tuyển sinh riêng đã thu hút được số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển.
Giải đáp các băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển của những trường này, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong mỗi Đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT bắt buộc các trường phải công bố ngưỡng tối thiểu để xét tuyển.
Ví dụ, với trường ĐH, điểm trung bình là 6,0 trở lên; CĐ là 5,5 trở lên, các trường không thể lấy thấp hơn mức đó. Bộ GD&ĐT cũng đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra việc tuyển sinh riêng của các trường dựa trên Đề án đã công bố. Việc kiểm soát sẽ rất chặt chẽ.
Thứ trưởng cũng thông tin thêm, trong 62 đề án tuyển sinh riêng, không đề án thực hiện tuyển sinh 2 lần trong năm. Các trường tuyển sinh nhiều đợt nhưng đều kết thúc theo lịch “3 chung”. “Tuy nhiên, nếu trường có nhu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ sắp xếp để đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra trật tự, không rối, phức tạp” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Năm 2014, toàn quốc có 141 trường ĐH tổ chức thi đợt I và 141 trường tổ chức thi đợt II.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH cả 2 đợt là 1.529.435; số thí sinh đến dự thi là 1.190.546, đạt tỷ lệ 77,84%, tăng 0,24% so với năm 2013; các trường ĐH huy động 156.293 lượt cán bộ tham gia làm công tác thi.
Trong cả hai đợt thi, cả nước có 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật; trong đó khiển trách là 50, cảnh cáo 5, đình chỉ thi 171; 14 thí sinh đến muộn không được dự thi.