Sau khi dư luận lên tiếng thì các khuất tất liên quan đến vụ việc được làm sáng tỏ như việc một số cá nhân đã mạo danh các nhà khoa học danh tiếng để lập dự án, việc đổ hơn 1 triệu mét khối chất thải ra môi trường nhưng chưa được đánh giá tác động môi trường thấu đáo và đặc biệt là dư luận phản ứng không đồng tình với việc đổ chất thải ra biển… Tưởng chừng như câu chuyện xử lý bùn thải đã có hồi kết, đó là phải tạm dừng dự án, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trước khi khởi động lại vấn đề này theo hướng xử lý hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, vụ việc lại càng gây chú ý hơn khi có nhà khoa học về môi trường lại nêu ý kiến cho rằng đồng ý cho “nhấn chìm” chất thải nhưng “buộc những người có thẩm quyền phải ký cam kết, nếu xảy ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm”.
Theo quan điểm cá nhân, ý kiến như vậy là chưa hợp lý, không mang tính khoa học, thậm chí thiếu trách nhiệm với môi trường sống. Bởi vì, vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân, nhiều thế hệ như môi trường thì không thể chấp nhận tình trạng “cứ cam kết, nếu gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm là được”. Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng không cho phép “cam kết” kiểu này, nhất là không cho cấp phép nhận chìm trước, sau đó cho khảo sát rồi lại cấp tiếp quyết định giao biển.
Thậm chí cho cam kết, nếu khi việc nhấn chìm vật chất gây ô nhiễm, thiệt hại thì có thể xử lý trách nhiệm của những người liên quan như bộ trưởng, thứ trưởng, các vụ trưởng, công ty lập dự án… đến đâu, họ bồi thường đến đâu, như thế nào? Hay cuối cùng lại Nhà nước và nhân dân bỏ công, bỏ sức, tiền của từ ngân sách ra để khắc phục thiệt hại và môi trường biển gánh chịu ô nhiễm, bị hủy hoại. Do đó, việc cam kết là chưa đủ và sẽ mãi mãi… không đủ!
Có thể khẳng định rằng, vấn đề xử lý chất thải phải dựa trên cơ sở khoa học, quy định pháp luật, nhất là trên tinh thần bảo vệ tuyệt đối sự an toàn của môi trường sống, không chỉ cho hiện tại mà còn giữ gìn cho các thế hệ mai sau.
Theo chúng tôi, trước mắt cần thu hồi ngay giấy phép đã cấp, theo đó cho phép “nhấn chìm” bùn thải. Bởi vì, dấu hiệu gian dối, vi phạm trình tự, quy định pháp luật trong việc lập dự án xin phép đổ chất thải ra biển đã khá rõ ràng. Thậm chí, với hành vi này những người liên quan có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án, cách thức xử lý bùn thải hợp lý hơn, tuyệt đối không nên nôn nóng mà mạo hiểm với môi trường. Chỉ thực hiện phương châm an toàn tuyệt đối 100% thì làm, còn không thì nhất quyết không làm! Bài học nhãn tiền từ vụ Formosa đang còn đó và đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để nên cơ quan quản lý, các nhà khoa học không thể chủ quan, xem nhẹ vấn đề môi trường.