Biến tướng mang danh “tự nguyện”
Chị Trần Thị Vân Trang (tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) có con năm nay học lớp 1, cho biết: “Ngay từ khi nhà trường nhận đơn xin học trái tuyến, tôi đã phải chuẩn bị trước tiền mang theo đóng các khoản tiền “tự nguyện”. Nhưng chưa có con đi học bao giờ nên thiếu kinh nghiệm, tiền mang theo không đủ, tôi đã phải gọi người nhà mang thêm tiền đến để đóng ngay các khoản nhà trường thu. Vì mong muốn đưa đón con thuận tiện nơi làm việc của mẹ, nên gia đình mới cực chẳng đã phải xin cho con học trái tuyến. Nhưng thật sự các khoản thu mang danh “tự nguyện” khiến người có mức thu nhập hàng tháng dưới 10 triệu đồng như tôi thấy choáng váng”.
Chị Trang từ chối chia sẻ các khoản tiền tự nguyện cụ thể là bao nhiêu, bởi theo chị nếu nhà trường biết được phụ huynh thắc mắc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc học của con chị. Tuy nhiên, chị Trang cũng bày tỏ: “Đã cấm nhà trường thu tiền xây dựng, nhưng để phụ huynh phải “tự nguyện” nộp thì có vô vàn cớ, có rất nhiều các cái tên khoản thu trá hình để nhà trường vẫn thu mà phụ huynh vẫn phải “tự nguyện” đóng. Nhất là HS học trái tuyến thì đương nhiên phải chấp nhận đóng “tự nguyện” một cách … không thương tiếc”.
Đó là ở trường công lập, còn với trường tư thục thì sao? Bà Nguyễn Thị Tư (Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội) chia sẻ: “Cháu gái tôi học lớp 6 xin vào trường tư ở khu vực Cầu Giấy, nhưng không chịu được các khoản thu tự nguyện ngoài học phí nên gia đình lại quyết định chuyển cho cháu về học trường công lập, sau chỉ 1 năm học. Chỉ riêng tiền quỹ phụ huynh HS của lớp, của trường tổng số tiền mỗi học kỳ đã phải đóng tới vài triệu đồng. Ban phụ huynh phát động đóng góp gì cho nhà trường là chẳng phụ huynh nào dám từ chối”.
Anh Nguyễn Văn Hùng (Tiền An, Bắc Ninh) cho rằng: “Các khoản thu ngoài học phí dễ biến tướng thành lạm thu có thể kể đến là tiền hỗ trợ phát triển nhà trường, tiền đồng phục, hoạt động trải nghiệm, tiền quỹ hội phụ huynh lớp, trường, thậm chí cả những khoản tiền không nhỏ đối với con nhà nghèo như: Mua sách tham khảo, mua bọc vở kèm sách giáo khoa… Tôi cho rằng ở bất cứ địa phương nào, tại nhiều nhà trường có những khoản nếu lạm thu thì phụ huynh vẫn phải mắt nhắm mắt mở đóng, đó là tiền đồng phục, tiền quỹ này khác. Vì dù là “tự nguyện” nhưng chẳng phụ huynh nào dám “mặc cả” về giá đồng phục nhà trường bán, hay về số tiền quỹ nọ kia phải đóng đầu năm học”.
Nhà trường khó khăn về tài chính?
Nhiều chuyên gia GD nhận định một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu ở các nhà trường không chấm dứt, thậm chí biến tướng thành các khoản “tự nguyện” để ép phụ huynh HS phải đóng, cũng bởi nhà trường khó khăn về tài chính.
Theo ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội), một vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm sao đảm bảo công bằng trong chi ngân sách cho GD. Nếu không có ngân sách đủ chi cho hoạt động của nhà trường thì lạm thu sẽ xảy ra.
Thực tế chi ngân sách cho GD ngay ở Hà Nội cũng không đạt được 20%, năm ngoái tính chính xác Hà Nội đạt 18,2%. Đáng nói là ở cấp thành phố chi ngân sách hơn 18%, nhưng xuống tới quận, rồi tới trường thì không còn 18% nữa.
“Vẫn là chi cho GD, nhưng chi ở nhiều tầng, nhiều lớp, cuối cùng về tới trường học số ngân sách chi ban đầu không còn nguyên nữa. Đến nhà trường thực hiện chi rất khó khăn. Sở GD&ĐT đều có tham mưu hàng năm để có phân bổ ngân sách từ trên thành phố đến quận/huyện, tiếp đến nhà trường mà còn như vậy, nói gì đến các địa phương khác”- ông Quang nêu vấn đề.
Đầu tư GD, xây dựng trường học vốn thu hồi không hề dễ dàng, thành ra ngay trong chính nhiều trường tư cũng xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc cho phụ huynh vì những khoản tận thu, hoặc núp bóng “tự nguyện” đóng góp tài chính.
Để minh bạch các khoản thu- chi ở các nhà trường, theo ông Trần Tuấn Nam (Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang), bước vào năm học mới, các nhà trường phải xây dựng danh mục và dự toán thu, chi của từng khoản dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động GD.
Các khoản thu dễ gây ra tình trạng lạm thu cũng được lãnh đạo Ngành GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh phải căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, thống nhất trong Hội đồng trường. Dự thảo các khoản thu, mức thu, mức chi, đối tượng thu và đối tượng hưởng lợi, hình thức tổ chức huy động đóng góp đều phải được thông tin tới tập thể cán bộ, GV nhà trường.
“Giáo viên chủ nhiệm các lớp thông báo tới từng phụ huynh học sinh dự thảo các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD và xin ý kiến ghi rõ đồng ý hay không đồng ý hoặc ý kiến khác (bằng văn bản)”, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang nêu yêu cầu.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, sự phù hợp giữa các cơ sở GD trong cùng địa bàn, mặt bằng chung về thu nhập của người dân, theo phân cấp quản lý phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT nghiên cứu hồ sơ trình duyệt để phê duyệt cụ thể mức thu của từng khoản thu đối với từng cơ sở GD, biên bản thẩm định. Chậm nhất 3 ngày, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ sở GD tổ chức thực hiện công khai mức thu của từng khoản thu.
Với những khoản thu có nguy cơ lạm thu, Bắc Giang cũng yêu cầu các nhà trường công khai, minh bạch. Chẳng hạn, dịch vụ trông giữ xe, cơ sở GD phải xuất hóa đơn, hạch toán, quyết toán trên tài khoản thu, chi hoạt động dịch vụ và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành, xác định chênh lệch thu chi và trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Về việc hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cơ sở GD ở Bắc Giang được yêu cầu triển khai huy động từ phụ huynh HS, có thể huy động bằng tiền, vật tư, vật liệu hoặc ngày công. Trường hợp sử dụng tiền huy động mua vật tư vật liệu... khi thanh toán có hóa đơn chứng từ theo quy định; trường hợp huy động vật tư, vật liệu hoặc ngày công, khi quyết toán phải quy đổi về giá trị bằng tiền và tăng giá trị tài sản, công trình của cơ sở GD. Còn với các khoản tài trợ (hiện vật hoặc bằng tiền) của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà tài trợ khác, đơn vị hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán theo quy định hiện hành.