Theo kết quả thanh tra, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Theo quy chế chấm thi trắc nghiệm, đó là 1 quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ với nhiều công đoạn có sự thực thi và giám sát của nhiều người, kể cả cơ quan công an. Vậy mà sai phạm đó vẫn xảy ra. Tôi cho rằng, chỉ một cá nhân không thể can thiệp để tạo nên sự thay đổi kết quả. Đó là sự cố tình sai phạm và là sự sai phạm có tổ chức.
Trong bối cảnh ngành giáo dục – đào tạo đã và đang triển khai Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về “đổi mới căn bản và toàn diện” trong nhiều nội dung, trong đó có đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá và thi cử. Rồi sẽ có nhiều cách giải thích của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia của tỉnh Hà Giang nhưng sai phạm đó là trầm trọng và đi ngược lại Nghị quyết 29.
Diễn biến của “vụ Hà Giang” có thể sẽ còn thêm nhiều tình tiết phức tạp. Sau Hà Giang, một số tỉnh thành cũng đang lọt vào tầm ngắm của dư luận với những bất thường trong đợt thi THPT vừa qua. Những bất thường này cần được làm sang tỏ để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh.
Việc hàng trăm học sinh ở Hà Giang được nâng điểm với một con số cao ngất ngưởng, thậm chí có em còn được nâng đến gần 30 điểm đã cướp đi cơ hội vào đại học của hàng trăm học sinh học hành tử tế, thi cử bằng chính sức lực của mình.
Khi câu chuyện điểm thi THTP Quốc gia 2018 tại Hà Giang dấy lên trong dư luận, bên cạnh việc đặt câu hỏi cho công tác tổ chức thi, chấm thi, truyền thông lại hướng đến người trong cuộc là các thí sinh. Việc tìm hiểu vấn đề từ các em không sai, nhưng có bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: Các em liệu có lỗi gì không?
Thiết nghĩ cho dù điểm thi THPT năm 2018 tại Hà Giang có không trung thực, không đúng thì cũng đừng lấy các em ra làm lý do bao biện cho những hành vi sai phạm của người lớn. Bởi trong vụ việc này, các em chỉ là nạn nhân của những hành vi phạm pháp.
Sai ở đây là lỗi của người lớn, bởi các em đâu biết gì nếu không có sự can thiệp người lớn; của cha mẹ chỉ vì muốn con cái đạt điểm cao; của những người có trách nhiệm quản lý giám sát thi cử lợi dụng việc công để mưu lợi. Đừng để sự dối trá của người lớn “giết chết” tâm hồn con trẻ.
Những thí sinh được nâng điểm thừa biết lực học của mình đến đâu, những điểm số do chạy chọt, “làm phép” của bố mẹ, của người lớn mà có, liệu có làm cho những đứa trẻ thanh thản khi bước chân vào giảng đường đại học?
Những bậc làm cha mẹ kia tưởng rằng mình đang nâng bước cho con cái, nhưng thực chất việc việc làm này đang tiếp tay cho việc tạo ra một lớp người không trung thực. Để rồi, tương lai của các em sẽ về đâu và tương lai đất nước về đâu?
Vụ nâng điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang đã bị khởi tố. Ông Vũ Trọng Lương – người trực tiếp can thiệp để nâng điểm các bài thi - đã bị bắt tạm giam để điều tra. Nhưng nếu chỉ như thế là chưa đủ.
Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan pháp luật phải làm rõ và xử lý nghiêm những người liên quan đến việc nâng điểm ở Hà Giang, để ít nhất không làm đổ vỡ thêm nữa niềm tin của thế hệ trẻ, của xã hội trong việc hình thành một thế hệ tương lai.