Người can thiệp vào kết quả thi THPT quốc gia: Có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

Luật sư Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Luật K và Cộng sự
Luật sư Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Luật K và Cộng sự

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Qua xác minh ban đầu của Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy, ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Vụ việc nêu trên đã dẫn tới việc làm sai lệch kết quả thihơn 330 bài thi của 114 thí sinh. Việc làm sai phạm nêu trên đã làm chênh lệch kết quả bài thi từ 1 điểm đến 8,75 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Theo đó, đã có không ít thí sinh đã được nâng lên tới hơn 20 điểm so thực chất của các bài thi. Cá biệt, có những thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thi thực chấm. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lí các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào hành vi can thiệp sửa điểm thi xảy ra tại hội đồng thi tỉnh Hà Giang, cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tổ chức có liên quan. Trước hết là xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm của đối tượng.

Luật sư Lê Minh Thắng cho biết, Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định, tại điểm d, khoản 3, Điều 13 về Vi phạm quy định về thi – Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định.”

Như vậy, đối với hành vi can thiệp vào kết quả thi của ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh, có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 7.000.000 đồng và buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi nêu trên.

Theo Luật sư Lê Minh Thắng, ngoài việc bị xử phạt hành chính, cơ quan chức năng còn phải xem xét và căn cứ vào động cơ, mục đích và tính chất nghiêm trọng của vụ việc để xác định ông Vũ Trọng Lương có dấu hiệu vi phạm hình sự về tội Giả mạo trong công tác, được quy định tại khoản 4 và 5,  Điều 359 Bộ luật hình sự hay không?

Theo quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm với hành vi làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên và để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy, với hơn 330 bài thi bị sửa làm sai lệch kết quả, ông Vũ Trọng Lương có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định của Luật Hình sự năm 2015.

Những ai liên quan đến việc sửa điểm thi?

Tại buổi họp báo chiều 17/7, ông Nguyễn Cao Khương - thành viên tổ công tác Bộ GD&ĐT cho biết: “Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả đáp án, ông Vũ Trọng Lương đã tải toàn bộ đáp án về, chuyển sang File Excel và lưu vào trong máy. Qua khai thác từ ông Lương, chúng tôi phát hiện có rất nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. Căn cứ vào tin nhắn đó, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính, đồng thời đem máy tính đến chỗ phòng quét và xử lý trắc nghiệm.”

Với thông tin được công bố nêu trên cho thấy, trước khi thực hiện việc sửa điểm bài thi, ông Lương có nhận được nhiều tin nhắn. Điều này cho thấy, còn có nhiều đối tượng tham gia vào việc sửa và nâng khống điểm thi. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ những người đã nhắn tin cho ông Lương là ai? Nội dung các tin nhắn của từng người là gì? Có hay không việc giao dịch mua bán nâng khống điểm thi qua các tin nhắn – Luật sư Lê Minh Thắng nêu quan điểm.

Cũng theo Luật sư Lê Minh Thắng, cơ quan chức năng cần làm rõ những tin nhắn đó để làm sao việc xử lý theo pháp luật sẽ không bỏ lọt người, bỏ lọt tội và tránh trường hợp xử lý nặng nhẹ đối với ông Lương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ