Dùng hóa chất “cứu” TPHCM khỏi ngập úng

GD&TĐ - Hòa tan hóa chất để làm tăng công suất dòng chảy, giúp tiêu thoát nước nhanh hơn và giảm ngập là đề xuất mới để giải quyết ngập úng ở TP HCM. Đây là giải pháp mới chưa từng áp dụng ở Việt Nam.

Khơi thông dòng chảy là cách duy nhất để giúp đô thị TPHCM giảm ngập úng
Khơi thông dòng chảy là cách duy nhất để giúp đô thị TPHCM giảm ngập úng

Công nghệ chưa từng áp dụng ở Việt Nam

Giải pháp chống ngập mới bằng công nghệ hóa học, sử dụng chất DRP (Drag Reduction Polymer), được TS Đặng Vũ Trọng (Giám đốc kỹ thuật một tập đoàn của Canada) đề xuất ứng dụng cho TPHCM.

Theo ông Trọng, các giải pháp mà thành phố đang làm như lắp thêm máy bơm, cải tạo, xây mới đường cống và kênh rạch... là mang tính lâu dài, kinh phí đầu tư, vận hành lớn. Trong khi đó, giải pháp chống ngập bằng hóa học có giá thành đầu tư và vận hành thấp, gọn nhẹ, lắp đặt và sử dụng nhanh. Tùy vào lưu lượng dòng chảy sẽ điều chỉnh lượng DRP phù hợp.

Theo ông Trọng, giải pháp dùng hóa học này cơ bản được thực hiện bằng cách bơm chất DRP vào hệ thống cống thải của TP thông qua các điểm được lắp đặt máy bơm DRP. Khi hóa chất này tan vào nước sẽ làm tăng công suất dòng chảy, qua đó tăng năng suất cho cống thoát nước, máy bơm và giúp giảm ngập lụt.

Chất DRP với độ kéo dài cao trong dung dịch loãng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối, chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy. DRP không gây ảnh hưởng đến môi trường nước xử lý. Giá DRP khoảng 4 USD/kg.

GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học và Công nghệ Quản lý Môi trường cho hay, dùng công nghệ hóa học để giảm ngập là một giải pháp mới, chưa từng áp dụng tại Việt Nam. Dù đã có một số nước áp dụng nhưng vẫn phải xem xét kỹ lưỡng điều kiện nước họ có tương đồng Việt Nam.

Ở một số nước, họ sử dụng phổ biến và có hiệu quả đường ống đúng chuẩn. DRP chỉ có tác dụng khi hệ thống cống thiết kế và thi công đúng chuẩn nhất định, rác, đất đá không có nhiều trong cống.

Ở ta, với tình trạng cống hiện nay, sử dụng phương pháp hóa gần như không có tác dụng. Việc tăng dòng chảy cho nước trong khi cống vẫn cứ ngập rác, chỗ nào cũng ngập thì chảy đi đâu?

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái?

Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất, còn nhiều vấn đề lưu ý về đề xuất này. “Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, dù là hóa chất gì thải ra môi trường, cũng phải hết sức thận trọng và không được coi là giải pháp ưu tiên.

Vì hóa chất sẽ ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường, đời sống của các vi sinh vật. Nó làm mất đi đa dạng sinh học, thậm chí có thể gây ô nhiễm môi trường. Nếu đây là hợp chất sinh học hay vi sinh thì không cần phải bàn, có thể áp dụng ngay được”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Về vấn đề này, ông Trọng cho biết dựa trên kết quả thí nghiệm tại Mỹ, DRP không ảnh hưởng đến cá nước ngọt ở nồng độ thấp hơn 50 ppm, không ảnh hưởng đến 15 thế hệ tôm sống trong nồng độ 100 ppm, không gây kích ứng, không ảnh hưởng mạn tính (ung thư, độc sinh sản)…

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, đặt giả sử hóa chất ở nồng độ cao, tích tụ trong nhiều ngày thì sao? Nếu đây là giải pháp tình thế để xử lý ngay lập tức một điểm ngập nào đó thì có thể dùng được, còn nếu để áp dụng lâu dài thì không ổn.

TS Lê Huy Bá cũng cho rằng, đây là một hóa chất còn rất mới ở Việt Nam, chưa từng áp dụng. Cần các nhà khoa học vào cuộc thử nghiệm chắc chắn rồi mới áp dụng ở những khu vực phù hợp.

Không thể triển khai một cách đại trà như đề xuất. Để chống ngập cho TPHCM thì cách tốt nhất là giải toả mở rộng dòng chảy để tránh tắc nghẽn và nâng cao ý thức của người dân, thay vì đầu tư các dự án tiền tỉ.

Nghiên cứu về giảm lực cản dòng chảy bằng chất DRP được phát hiện bởi Toms vào năm 1946. Hai năm sau, nhà khoa học này đã trình bày nghiên cứu này tại hội nghị khoa học Rheology tại Hà Lan. Ứng dụng này được sử rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như ống dẫn, vận hành giếng dầu, tưới tiêu trong thủy lợi, ứng dụng trong y sinh như dòng máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ