John Nathan Lising, 6 tuổi đến từ Nueva Ecijia, Philippines bắt đầu bị co giật không kiểm soát trên mặt kể từ ngày 23/7. Mắt của cậu bé liên tục chớp giật còn đôi môi run rẩy không ngừng.
Khi thấy con có biểu hiện lạ, cha của cậu bé, anh John Edgar, 41 tuổi và vợ, chị Judee, 40 tuổi đã vội vàng đưa tới bệnh viện kiểm tra. Sau khi tiến hành quét CT, bác sĩ không phát hiện bất cứ điều gì bất thường, kết quả cho thấy não bộ cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Suốt 1 tuần, John vẫn phải chịu đựng những cơn co giật liên tục chỉ sau khoảng 20-30 phút. Anh Edgar nghi ngờ chính sở thích sử dụng điện thoại để chơi điện tửsuốt 9 tiếng mỗi ngày của con trai là nguyên nhân.
“Con trai tôi bình thường rất khỏe mạnh. Thằng bé không gặp bất cứ vấn đề gì trước đây. Tuy nhiên tình trạng co giật này đã bắt đầu từ ngày 23/7 và không có dấu hiệu ngừng lại. Tôi chắc chắn răng việc sử dụng diện thoại liên tục nhiều giờ là nguyên nhân.”
Mặc dù sau đó, gia đình đã cấm con trai dùng điện thoại, máy tính hay tivi nhưng cậu bé vẫn không chấm dứt tình trạng co giật.
Các chuyên gia cũng tin rằng các triệu chứng co giật này có liên quan đến một nửa não bộ nhưng không có đủ bằng chứng để xác định được chính xác nguyên nhân. Khi cơn động kinh tiếp diễn, cha mẹ cậu bé đã đưa con tới Trung tâm Y tế St Lukes để quét điện não đồ, Tuy nhiên vẫn không có được kết quả chính xác.
“Con trai tôi rất khổ sở với căn bệnh này và chúng tôi không biết phải làm sao để chấm dứt.” Chị Judee nói. “Thằng bé thường sẽ xem phim hoạt hình trên tivi ngay sau khi thức dậy. Sau đó, từ 3 giờ chiều cho tới nửa đêm, thằng bé sẽ bám dính lấy điện thoại hoặc máy tính bảng.”
Chị Judee nói thêm: “Thằng bé chỉ chơi các trò chơi trẻ em vui nhộn, không hề bạo lực. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần thằng bé vui thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng bây giờ, con trai tôi lại phải chịu đựng những cơn co giật. Mặc dù bác sĩ nói rằng chưa thể xác định chính xác nguyên nhân do diện thoại. Nhưng là một người mẹ, tôi tin đó là lý do.”
Tác hại khi sử dụng điện thoại nhiều giờ
Điện thoại, ti vi, máy tính đều là những thứ đang dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Ảnh hưởng tới vùng cổ
Cổ sẽ phải chịu áp lực lớn và thường xuyên khi bạn cúi đầu và dán mắt vào điện thoại. Nếu bạn cúi đầu đến mức cằm muốn chạm ngực thì trọng lực mà cổ phải chịu có thể lên đến 27kg, ngang với cân nặng của 1 đứa trẻ 4 đến 5 tuổi. Theo thời gian, đốt sống vùng cổ bị tổn thương, lâu ngày gây biến dạng khiến bạn đau nhức và khó phục hồi.
Mỏi mắt
Đây là tình trạng dễ gặp phải khi bạn thường xuyên nhìn vào màn hình điện thoại nhiều giờ liền. Hơn nữa, khi chỉ tập trung vào 1 điểm mà không vận động các cơ thì mắt dễ mỏi, khô, nhìn mờ... thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nhức đầu.
Hội chứng ống cổ tay
Cầm điện thoại và sử dụng nhiều giờ liền sẽ khiến các dây chằng, dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép, cản trở máu lưu thông, khiến bàn tay bị tê cứng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến tay không còn cầm nắm được các vật cho dù là vật nhẹ nhất.
Hội chứng ngón tay cái
Tương tự như hội chứng ống cổ tay, những người sử dụng điện thoại quá mức cũng có nguy cơ gây tổn thương tới ngón tay cái do đây là bộ phận dùng để lướt điện thoại quá nhiều. Ngón tay cái sẽ bị tê, mất cảm giác, nặng hơn sẽ sưng phù, đau nhức, không gập duỗi được...
Ảo giác
Những người lúc nào cũng "dính" lấy điện thoại bên mình cả ngày cũng có nguy cơ bị ảo giác cao. Có đôi lúc bạn cảm thấy điện thoại rung nhưng khi kiểm tra thì không có gì. Hội chứng này được gọi là hội chứng rung động ma.
Những điều cần lưu ý khi dùng điện thoại:
- Thực hiện quy tắc 20/20/20, tức là cứ 20 phút dùng điện thoại thì nghỉ ngơi 20 giây và nhìn vào vật gì đó xa 20 feet (khoảng 6m).
- Không để điện thoại cao ngang ngực hay ngang bụng khiến bạn phải cúi đầu quá nhiều. Nên nâng điện thoại lên ngang hoặc thấp hơn tầm nhìn 1 chút.
- Khi sử dụng điện thoại, nên chủ động thay đổi ngón tay lướt màn hình sẽ giúp làm giảm áp lực lên ngón cái đáng kể.
- Nếu gặp các dấu hiệu trên bạn nên hạn chế sử dụng điện thoại, chú ý nghỉ ngơi thư giãn. Nếu tình trạng vẫn còn tiếp diễn, bạn nên tới gặp bác sĩ