"Đừng đi đường dài một mình!”

GD&TĐ - Đó là lời khuyên của các nhà lãnh đạo Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV) khi nói về xu hướng đổi mới giáo dục đại học hiện nay tại Việt Nam. Dành cho báo GD&TĐ một cuộc phỏng vấn, cả 3 nhà quản lý hàng đầu: GS.TS Raymond Gordon - Tổng Giám đốc BUV; GS Adrian Smith - Hiệp sĩ Hoàng gia Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH London;  Ngài Graham Davies - Hiệu trưởng BUV  đã có những chia sẻ, trao đổi rất tâm huyết về những kỳ vọng, trăn trở của một trường ĐH quốc tế khi hoạt động tại Việt Nam.

Ngài Hiệu trưởng Trường Đại học London (thứ hai bên trái sang)
Ngài Hiệu trưởng Trường Đại học London (thứ hai bên trái sang)

- Hiện có nhiều trường ĐH quốc tế tại Việt Nam, đồng nghĩa với sự cạnh tranh để thu hút sinh viên sẽ càng nhiều hơn. BUV có chiến lược gì mới để tăng sức thu hút sinh viên đến với mình?

* Việt Nam hiện nay là một điểm đến và cũng là đất nước có nền kinh tế đang phát triển, sự đòi hỏi về nhân lực cao đang rất lớn. Chính vì vậy không có gì khó hiểu khi có nhiều trường ĐH quốc tế và các đơn vị đào tạo được mở ra tại Việt Nam. Mỗi đơn vị đào tạo họ đều có những thế mạnh khác nhau. Và chúng tôi tự tin với những điểm khác biệt của mình.

- Học phí của trường quốc tế khá cao so với các trường ĐH khác trong nước. Vậy trường làm thế nào để giúp sinh viên tốt nghiệp từ BUV ra tìm được công việc tương xứng với giá trị tấm bằng và số tiền học phí họ đã đầu tư trong thời gian học tại đây?

* BUV không chỉ giảng dạy sinh viên kiến thức trên sách vở, cái cốt lõi chúng tôi mang đến cho sinh viên chính là các kỹ năng giúp cho sinh viên không những làm việc trong môi trường nước ngoài mà còn làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, cái chúng tôi hướng đến là cách sinh viên xử lý vấn đề, tiếp cận vấn đề. Chúng tôi kết nối với những đối tác chiến lược để có thể hỗ trợ sinh viên trong quá trình học, như chương trình thực tập tại các công ty nổi tiếng trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, du lịch, ngân hàng. Tới đây BUV và các đối tác sẽ ký kết một chương trình thực tập sinh toàn cầu để sinh viên có cơ hội thực tập tại Việt Nam và nước ngoài.

- Trong thực tế, đối với các trường ĐH, công tác tuyển sinh rất được coi trọng. Có bao giờ trường ĐH Anh quốc gặp khó trong công tác tuyển sinh? Và trường làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này?

 Với giáo dục, chất lượng phải đặt lên hàng đầu thì mới gây được lòng tin, tồn tại và đi được đường dài tại Việt Nam. 

GS.TS Raymond Gordon, Tổng Giám đốc BUV

* Đó là điều lãnh đạo BUV nhìn ra được trong những ngày đầu tiên đặt cơ sở tại Việt Nam. Nhưng trên hết, chúng tôi luôn đặt chất lượng của chương trình cũng như thế mạnh chúng tôi muốn mang đến cho sinh viên nhiều hơn là các con số. Có thể trong khoảng thời gian ngắn này, chúng tôi gặp khó khăn đó nhưng trong tương lai, những việc chúng tôi làm hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho BUV cũng như cho giáo dục Việt Nam.

Bởi BUV là tên mới với thị trường Việt Nam, trong thời gian này chúng tôi muốn xây dựng lòng tin bằng việc đảm bảo chất lượng đào tạo với sinh viên và phụ huynh.

- Giáo dục bên cạnh truyền thông tin còn cần phải truyền được cảm hứng. Xin hỏi BUV truyền được cảm hứng gì cho sinh viên?

* Trong tất cả mục tiêu của BUV theo đuổi trong quá trình thành lập đến nay, chúng tôi luôn thúc đẩy sinh viên trở thành những người yêu thích sự khám phá, theo đuổi những chân trời mới, là những người biết tri ân với lịch sử, có đạo đức. Chúng tôi chưa bao giờ đặt nặng sinh viên phải là người dẫn đầu, nhưng khuyến khích sinh viên phát triển hết được những khả năng, thúc đẩy và hỗ trợ sinh viên phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu.

Bên cạnh đó, BUV hy vọng sinh viên có thể thích nghi được với những thay đổi của Việt Nam cũng như thế giới bởi hiện nay chúng ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, cần có khả năng bắt nhịp và thích nghi.

- Thế hệ sinh viên khóa sau ngày càng năng động và có những cách tiếp cận vấn đề, góc nhìn suy nghĩ có khi rất khác so với những sinh viên khóa trước của nhà trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để BUV hiểu được sinh viên để cung cấp dịch vụ giáo dục tốt nhất cho họ? Hình bóng của cuộc cách mạng 4.0 hiện lên trong bài giảng ở BUV như thế nào?

* Trường ĐH London là Viện ĐH lớn thứ hai của nước Anh và BUV là một trong những đối tác của ĐH London. Tất cả chương trình học và giáo trình tại Trường ĐH London và BUV là giống hệt nhau. Trước sự thay đổi của thế giới, của nền kinh tế và cách mạng 4.0, chúng tôi luôn thiết kế ra những chương trình mới. Trong năm vừa rồi, chúng tôi thiết kế chuyên ngành mới giảng dạy các khóa về kế toán, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường và đòi hỏi của nền kinh tế.

- Hiện có những đổi mới về giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có nhấn mạnh đến việc tự chủ của các trường, ông có lời khuyên nào cho các trường ĐH Việt Nam?

* Tôi tin tưởng rằng mỗi nền giáo dục, mỗi trường đại học sẽ có những định hướng và những cách riêng để thu hút sự quan tâm của sinh viên và phụ huynh. Từ những hiểu biết, tìm tòi của chúng tôi, lời khuyên cho các trường ĐH tại Việt Nam hiện nay là phải xác định được thế mạnh của trường ĐH, xác định sẽ mang lại cho sinh viên điều gì khác biệt so với những trường ĐH khác trong hệ thống. Bên cạnh đó, đừng đi đường dài một mình! Bên cạnh những gì các bạn tự gây dựng nên, nên có đối tác và trường hợp tác tin cậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ