Muôn kiểu sai lầm
Các ông bố bà mẹ hiện nay cũng không ít người còn tồn tại suy nghĩ hạn chế cho con tiếp xúc với khó khăn, bao bọc kĩ lưỡng con cái, không cho con cơ hội được tiếp xúc với những thử thách trong cuộc sống.
Chính vì yêu con mù quáng, nhiều mẹ đã vô tình cướp đi khả năng được trải nghiệm của con. Trong khi đó, cuộc sống đòi hỏi trẻ cần được cọ xát với khó khăn để từ đó lớn dần lên.
Thực tế cũng đã chứng minh những khó khăn và thử thách luôn là người bạn đồng hành với con trẻ trong suốt cuộc hành trình. Sẽ chẳng nơi đâu con có thể tìm thấy một hướng đi mà hoàn toàn chỉ có những con đường phẳng lì. Khó khăn sẽ luôn vây kín, dù con có tài giỏi mấy, có khôn ngoan mấy đi chăng nữa.
Có thể thấy tâm lý “Con ngã, mẹ nâng” xuất hiện ở hầu hết các bậc phụ huynh. Vẫn biết làm cha mẹ ai chẳng xót xa khi con vấp ngã. Nhưng cách ứng xử của mẹ với những khó khăn của con ngay từ những ngày đầu đời hay khi con đã khôn lớn lại quyết định đến tính cách của con sau này.
Cha mẹ đừng vội vã xót xa khi con ngã. Con có vấp ngã thì lần sau con sẽ cẩn thận hơn. Hãy dạy con nguyên nhân làm con ngã, con cần tránh vật cản sẽ làm con ngã để sau này con chắc chắn sẽ đỡ vấp ngã nhiều hơn. Vấp ngã là để con lớn hơn trưởng thành hơn, vấp ngã một lần sẽ giúp con hiểu được giá trị của thành công.
Làm cố phần con - cũng là quan điểm của nhiều mẹ khi nuôi dạy con. Đã từng trải qua những khó khăn cực khổ trong cuộc sống, cha mẹ thường có tâm lý muốn bù đắp cho con, không muốn con khổ như mình trước kia nên luôn cố gắng làm cố phần con.
Song khi chiều con như thế vô hình chung lại tước mất của con quyền được lao động và hưởng những lợi ích từ lao động. Thực tế những điều con học được từ việc nhà quả thực giúp con trưởng thành hơn rất nhiều.
Thêm nữa, ba mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con, không thể trong lúc đi công tác mỗi giờ gọi điện về nhắc nhở con một lần. Hãy rèn cho con thói quen tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác như một tất yếu của cuộc sống.
Xã hội hiện đại cũng ghi nhận hiện tượng bố mẹ muốn con học tập, ngoài ra không dành thời gian cho việc khác. Nhiều mẹ vì muốn bảo vệ tốt nhất cho con đã cấm đoán nhiều hoạt động bên ngoài của con, hầu như nơi con xuất hiện chỉ là nhà và trường. Bên cạnh đó, mẹ nào có xu hướng thích đề cao thành tích học tập của con, coi kết quả là trên hết sẽ làm mọi cách để thúc ép con học bài.
Và đương nhiên để con có nhiều thời gian học bài, đồng nghĩa với việc không được tham gia bất cứ hoạt động sinh hoạt nào bên ngoài. Nhưng chính việc làm này của mẹ đã vô tình cướp đi quyền được vui chơi, học hỏi, kết bạn với mọi người. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ hoàn toàn có thể mắc bệnh tự kỉ, thế giới xung quanh của con quá nhỏ hẹp, con sẽ không thể phát triển được.
Một sai lầm trầm trọng khác mà các nhà tâm lý giáo dục cũng cảnh báo đó là cha mẹ sẵn sàng đáp ứng mọi mong muốn của con. Nuông chiều, bao bọc, làm theo mọi ý muốn, đáp ứng mọi nhu cầu của con là làm hại tương lai con.
Trẻ được nuông chiều chỉ biết có bản thân mình, cho rằng mình có tất cả là điều đương nhiên. Nuông chiều quá sẽ khiến trẻ sẽ có thêm nhiều đòi hỏi hơn, chúng sẽ sinh ra lối “có voi đòi tiên”, không biết quý trọng những gì mình đang có, chúng sẽ chỉ biết đòi hỏi mà không biết cho đi.
Chính vì vậy, cha mẹ nên nói cho trẻ biết giới hạn của những yêu cầu, điều gì có thể đáp ứng, điều gì không, hãy giải thích cho con hiểu vì sao không thể đáp ứng yêu cầu của con một cách rõ ràng, nhẹ nhàng.
Dè sẻn yêu thương
Theo các chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản, những đứa trẻ không từng bị bố mẹ phê bình trong gia đình, đến khi ra làm việc ngoài xã hội thường dễ rơi vào tình trạng như: vừa gặp phải sự phê bình của cấp trên lập tức cảm thấy tất cả sụp đổ, tư tưởng mất phương hướng, hành động đi vào tiêu cực bằng cách nộp đơn xin thôi việc…
Chính vì vậy, nuôi dạy con đòi hỏi bố mẹ cần phải phê bình con cái. Phê bình luôn có những giá trị, tác dụng giáo dục riêng. Thông qua sự phê bình của bố mẹ, trẻ có thể nhận thức đúng sai, hiểu được mặt tích cực hay tiêu cực của vấn đề.
Khi trẻ mắc lỗi mà không bị phạt, chúng sẽ không biết sai mà sửa, ngày càng dẫn tới những hành động nguy hiểm hơn khi đi ra ngoài xã hội. Do đó, khi trẻ mắc lỗi, nếu bố mẹ đương nhiên bỏ mặc thì coi như chưa làm tròn trách nhiệm của người bố, người mẹ.
Trách mắng con là một trong những việc mẹ nên làm khi con làm sai bất cứ điều gì. Tuy nhiên, mẹ nên có lời trách mắng có giá trị, tạo được cái uy trước mặt con. Hãy để con cái thật sự tôn trọng và kính phục khi được lắng nghe những lời phê bình của bố mẹ.
Để có thể vừa giúp con nhận thức ra và sửa chữa những sai lầm, đồng thời không làm tổn thương đến lòng tự trọng của con, đối với tất cả những người làm bố, làm mẹ, đòi hỏi cả một “nghệ thuật” trong phê bình.
Có lẽ ở bất cứ gia đình nào cũng vậy, dù giàu sang hay nghèo khó, các bậc cha mẹ cũng nên dè sẻn bớt tình yêu thương vô bờ bến của mình để đòi hỏi con nhiều hơn nữa. Hãy để trẻ hiểu rằng mọi thành quả trên đời có được phải từ đôi tay lao động, phải từ sự nỗ lực phấn đấu học hành, rèn luyện.
Không có gì dễ dàng hay tự nhiên mà có. Khi trẻ biết trân quý những gì chúng có được, dù là một mái nhà che mưa nắng, một cuốn vở mới, một bộ quần áo đồng phục hay to tát hơn là một cơ hội xuất phát tốt từ nền tảng gia đình vững chắc, hãy tin là chúng sẽ không hành xử thiếu trách nhiệm và vô ơn với những bậc sinh thành và rộng hơn là với xã hội.