Dạy con có ý thức lao động từ nhỏ

GD&TĐ - Tại sao các ông bố, bà mẹ nên dạy con có ý thức lao động ngay từ khi còn nhỏ? Và tại sao lại cần làm việc trong hạnh phúc?

Dạy con có ý thức lao động từ nhỏ

Như chúng ta thường thấy, có nhiều những gia đình có con đã tầm 8-9 tuổi hay đôi khi hơn thế đều không biết làm việc nhà hoặc không muốn làm, chúng sẽ chỉ ì ạch chờ đến tay bố mẹ làm hết cho mình. Ngay thậm chí đôi khi chỉ là việc quét nhà hay rửa bát, những chuyện đơn giản cũng không bao giờ động tay đến. Nhưng nguyên nhân từ đâu ra?

Cũng không thể đổ tội cho những đứa trẻ, mà chính những bậc phụ huynh đã không biết dạy bảo con đúng cách và hợp lí rồi tạo ra cho chúng những thói quen xấu. Có nhiều người bố, người mẹ nghĩ hồi xưa thời đói kém, mình quá cực khổ vì phải lao động từ nhỏ ở đồng ruộng, nên bây giờ có con sẽ phải nuông chiều con hết sức, muốn gì sẽ cho cái đó, không bao giờ phải để con phải “động chân động tay” làm việc nhà.

Nhưng bản thân họ lại không biết rằng cách nuôi con như vậy là sai, sẽ khiến chúng chỉ biết sống ỉ lại vào bố mẹ, những người xung quanh hay đôi khi khiến chúng còn bị “tồ” do quá được chiều chuộng.

Thực tế nếu các con được bố mẹ hướng dẫn và giao nhiệm vụ làm những việc nhà phù hợp với độ tuổi từ ngày còn nhỏ, các bé sẽ có thêm rất nhiều cơ hội để học hỏi, phát triển các kỹ năng, rèn luyện sự khéo léo, tính bền bỉ và tinh thần trách nhiệm.

Tuy nhiên, không thể chỉ dạy 1 hay 2 ngày là được, mà các bậc phụ huynh sẽ cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để hướng dẫn, động viên, khích lệ kịp thời và cũng như không nên la mắng hay quát tháo chúng mà thay vào đó là phải khen ngợi và từ từ chỉnh sửa lại cho con.

Tôi đã rất khâm phục một ông bố Hồng Công, dạy con cách vắt áo lên mắc. Đứa trẻ thường khi về nhà là vứt luôn áo khoác xuống sàn, mặc cho bố mẹ phải nhặt áo lên và treo hộ lên mắc áo. Nhưng một hôm, ông bố bực mình quá, mới nghiêm khắc yêu cầu con treo áo lên mắc, nếu không sẽ không được ăn tối.

Đứa trẻ phụng phịu nhặt áo lên và ném lên mắc áo mà không thèm nhìn. Chiếc áo rơi xuống phía dưới mắc áo. Người bố đứng đó yêu cầu con nhặt lên treo lại.Cậu con trai cũng nhặt lên và lần này không ném áo nữa, lại gần mắc áo treo áo lên, chỉ có điều chiếc áo treo lên mắc trông xộc xệch. Người bố lại yêu cầu con nhấc áo ra và treo lại.

Đứa trẻ bực quá khóc ầm lên, nói rằng nó không biết cách treo áo như thế nào. Người bố nói, nếu con biết ăn cơm, thích ăn cơm, thì con cũng cần biết treo áo thế nào cho đúng, và thích treo áo lên mắc áo sao cho trông thật đẹp. Nói rồi người bố cầm áo lên, treo ngay ngắn, vuốt phẳng phiu chiếc áo trên mắc với vẻ mặt mãn nguyện. Sau đó, ông lấy áo xuống, đưa con trai yêu cầu treo lại áo.

Cứ như vậy, cậu con trai khi đã treo đúng cách chiếc áo lên mắc, nhưng người bố lại lấy áo xuống, yêu cầu con treo lại, cho đến khi cậu bé bắt đầu treo áo lên, ngắm nghía vẻ hài lòng, lúc đó việc rèn luyện mới ngừng. Câu chuyện cho tôi bài học rằng, học được cách thức thôi chưa đủ, còn phải rèn cho con cách làm việc đó đúng đắn trong niềm vui thú thì mới thực sự tạo nên kỹ năng cho con, và cách làm việc hạnh phúc.

Để trẻ có thể tiếp tục hăng say trong công việc, người bố và mẹ sẽ là những người quan trọng nhất để giúp con hăng say và thích thú hơn trong việc lao động.

Có thể tiếp sức cho con bằng những việc như khiến cho con nghĩ rằng lao động cũng như 1 thú vui khác mà có lẽ không ai cũng có được, hay kể những câu chuyện về lợi ích và thành quả của việc lao động, những tấm gương đã cần cù lao động bao lâu để rồi về sau nhận lại được kết quả tốt đẹp.

Tất cả những điều đó sẽ truyền cho con mình một niềm cảm hứng thực tế nhất về những giá trị mà lao động mang lại cho con người.

Không chỉ vậy, mà thay vì ngồi nhìn con mình lao động dọn dẹp, thì người bố hay mẹ có thể cùng con làm việc nhà. Cùng làm với trẻ và xem công việc nhà hai mẹ (bố) con cùng tham gia như một trò chơi, cùng thi đua làm tốt và nhanh nhất, cùng đạt thành tích cao nhất.

Và bạn nhớ đừng phó mặc cho trẻ loay hoay với công việc một mình, vì không có sự chia sẻ của bạn trong công việc sẽ khiến trẻ mau nản và không muốn thực hiện công việc nếu ý thức về sự tự giác trong trẻ chưa hình thành.

Khác với cách thức bố mẹ dạy con ở nước ta, điển hình như nước Mỹ, người Mỹ rất coi trọng tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh của mỗi người. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân.

Họ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công, nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn. Những người làm công tác giáo dục mẫu giáo ở Mỹ đều được nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ.

Bất cứ sự chăm sóc nào từ phía người lớn cũng phải tạo cho trẻ những cơ hội để rèn luyện cho trẻ các kỹ năng này. Đồng thời, họ cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để giúp các kỹ năng mà trẻ được dạy ở lớp được rèn luyện và thực hành ngay tại nhà. Các kỹ năng tự phục vụ của trẻ bao gồm: Buộc dây giầy, mặc quần áo, cài cúc áo, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm…

Hoặc như nước Nhật, là một đất nước được khâm phục và đánh giá cao về mặt giáo dục. Không chỉ có ở nhà bố mẹ dạy con về vấn đề lao động làm việc nhà, mà ngay cả khi đến trường các con cũng sẽ được các thầy, cô giáo dạy bảo về việc lao động, đạo đức.

Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn, (từ cấp I đến cấp III) đều bắt buộc học sinh phải làm vệ sinh lớp học và những nơi công cộng trong trường. Việc làm này không những tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giáo dục nhiều mặt như giá trị lao động, kỹ năng lao động, tinh thần hợp tác, đoàn kết trong lao động, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật …

Bao giờ cũng vậy, chúng ta luôn nhắc đến việc học tập. Nhưng lâu nay ở nhà và ở trường, chúng ta luôn thúc giục con trẻ học, học và học, mà không dành thời gian cho chúng được “tập”, nghĩa là được thực hành những gì vừa học.

Công thức giáo dục thông thường ở phương tây là học 30%, thực hành 70%. Có như vậy, kiến thức mới thực sự ngấm và hữu ích cho trẻ, kiến thức thực sự sống động, không phải là mớ kiến thức “chết”, cố nhồi vào đầu để sau giờ kiểm tra là quên sạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...