Hệ lụy nuông chiều con thái quá
Hiện nay trong nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình sống ở thành phố, bố mẹ hay lĩnh phần làm hết việc nhà hoặc khoán trắng cho người giúp việc.
Chính vì thế, cha mẹ đã vô tình hình thành nên một lớp trẻ “cậu ấm, cô chiêu” chỉ biết hưởng thụ mà không biết làm việc. Từ đó làm nảy sinh ở các em thái độ ích kỷ, chỉ muốn người khác phục vụ mình.
Chị Lê Thu Hương, Phó phòng kinh doanh một công ty máy tính ở Hà Nội, phàn nàn, chị có hai cậu con trai 15 và 10 tuổi. Hễ mẹ nhờ làm việc gì, hai cậu luôn giãy nảy không chịu làm với lý do đang nghe nhạc hay đang xem dở bộ phim.
Mọi công việc từ quét nhà, giặt giũ cho đến nấu ăn, chị đều lo hết. “Tôi sợ nhất những ngày cuối tuần, tưởng được nghỉ ngơi, xả stress sau một tuần làm việc vất vả, ai ngờ lại còn mệt hơn vì phải làm việc nhà”, chị Hương chia sẻ.
Gia đình anh Trường Giang (Hà Nội) có 2 con, con gái lớn đã 9 tuổi, em trai 7 tuổi. Mặc dù con gái đã cao sắp bằng mẹ rồi, nhưng theo anh thì cháu còn “tồ” lắm, cho đến giờ ngoài việc học xong, cha mẹ đón về, đến bữa là ăn, xong là chơi.
Cậu con trai của anh chị còn “tồ” hơn chị, theo như lời anh, cháu còn chưa biết tự tắm giặt, toàn chờ bố mẹ giúp cho. Anh chị tỏ ra ngưỡng mộ gia đình hàng xóm, vì bên nhà đó có cháu gái 7 tuổi, nhưng khá đảm đang, đã giúp mẹ làm bếp, chăm em…
Dạy con làm việc nhà càng sớm càng tốt
Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, dạy con làm việc nhà cần phải tiến hành càng sớm càng tốt. Càng dạy sớm, việc con làm càng nhanh chóng trở thành thói quen.
Các con nên được bắt đầu với những nhiệm vụ khả thi đơn giản như bỏ rác vào thùng, đi “chợ” (sang nhà bác hàng xóm mua gói muối về chẳng hạn)…
Khi chúng ta yêu cầu trẻ làm việc sớm, trẻ sẽ cảm nhận được sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho mình, chắc chắn trẻ sẽ buộc phải cố gắng để không phụ lòng tin đó của cha mẹ.
Theo TS Vũ Thu Hương, sau khi con trẻ đã thực sự làm được một số công việc nhà, việc cần làm để con trẻ chăm chỉ là các công việc sau:
Giao trách nhiệm cho trẻ, trách nhiệm đó nên có một chút quyền lực như: Quyền được phê phán khi ai đó làm sai (trong phần công việc trẻ đảm nhận).
Ví dụ, trẻ được giao giữ vệ sinh trong khu vực phòng khách, nếu ai đó vứt đồ đạc lung tung, trẻ có quyền khiển trách và có quyền đưa ra hình thức phạt.
Tôn trọng các quyết định của trẻ. Nếu trong phần trách nhiệm của trẻ, trẻ có những quyết định phù hợp, cha mẹ nên tôn trọng và yêu cầu mọi người tuân thủ theo cho dù điều đó gây chút khó khăn cho cha mẹ.
Khen ngợi trẻ, đề cao tầm quan trọng của trẻ trong công việc. Việc khen ngợi đó cần làm nhẹ nhàng và kín đáo, không nên tung hô quá nhiều khiến trẻ dễ chủ quan, coi thường mọi việc.
Đơn giản và hiệu quả nhất là cha mẹ khoe “kín đáo” trẻ với người khác nhưng biết chắc chắn là trẻ “nghe lỏm” được.
Nghe lỏm được việc cha mẹ khen mình với người khác là món phần thưởng tuyệt vời nhất mà trẻ nào cũng mong muốn có. Điều đó sẽ khiến trẻ buộc phải “ngoan, giỏi” để xứng đáng với lời khen tặng.
Không thưởng tiền cũng như mọi thứ vật chất khác cho trẻ khi trẻ làm việc nhà. Việc này ban đầu có vẻ là có lợi nhưng càng về sau càng khó xử lý.
Có không ít trẻ được cha mẹ thưởng tiền khi làm việc nhà, về sau lớn lên đã không chịu làm việc nhà nữa nếu không cho tiền. Thưởng tiền khi làm việc nhà còn khiến trẻ có suy nghĩ “cứ làm là phải được nhận tiền công”, sau này khi ra ngoài tập thể, trẻ sẽ lười làm việc chung mà chỉ chăm lo cho chính bản thân mình hoặc những công việc có thù lao. Lúc này chắc chắn cha mẹ sẽ rất khó giải quyết cái cá tính đó của trẻ.
Luôn đề cao vị trí của trẻ. Khi mẹ nói 1 câu: “Ồ, việc đó ngoài con ra, chẳng ai làm tốt cả”, bé sẽ cảm thấy mình thật giỏi giang. Lúc này việc gì khó mấy trẻ cũng sẽ cố gắng thực hiện cho tốt.