Đừng để luyện thi trực tuyến 'tiền mất, tật mang'!

GD&TĐ -  Thí sinh cần cảnh giác để không bị mất tiền oan khi đăng ký luyện thi trực tuyến...

Thí sinh dự thi Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: TG
Thí sinh dự thi Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: TG

Nắm bắt tâm lý lo lắng của thí sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và kỳ thi riêng do một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức, nhiều trang mạng đã “bung lụa” quảng cáo các khóa luyện thi trực tuyến. Tuy nhiên, thí sinh cần cảnh giác để không bị mất tiền oan.

Nhiều thông tin “đường mật”

Cô giáo Lê Thị Thơ, Trường THPT Chúc Động (Hà Nội), lưu ý: Trên một số trang mạng rao bán các bộ đề thi và khóa ôn luyện từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Thí sinh nên tỉnh táo và kiểm chứng những thông tin, tránh “tiền mất, tật mang…”. Nếu xác định ôn thi online, các em cần sàng lọc và lựa chọn trang trực tuyến phù hợp năng lực, tránh sa đà vào “ma trận”. Tốt nhất vẫn nên tham khảo tư vấn từ thầy, cô giáo của mình hoặc có thể tham gia ôn thi trực tiếp từ các thầy, cô giáo trong trường giảng dạy.

Vào Google gõ từ khóa “ôn thi đánh giá năng lực” sẽ cho hàng nghìn kết quả liên quan. Các trang web luyện thi trực tuyến có điểm chung là quảng bá luyện thi/bán tài liệu đánh giá năng lực và kèm theo lời giới thiệu hấp dẫn: “Chắc suất điểm cao; 15.000 câu hỏi, hơn 70 đề tự luyện quét toàn bộ dạng bài; Học live tương tác cùng đội ngũ giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm, hỗ trợ 24/7 trong group kín. Cam kết đầu ra rõ ràng…”. Giá mỗi khóa học dao động từ 150 nghìn đến gần 3 triệu đồng.

Thầy Đặng Thanh Đạm – Trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) - cho hay, một số người mệnh danh trung tâm A của trường B mời chào học sinh của trường tham gia ôn thi trực tuyến với giá 4 triệu đồng/khóa. Họ phát một số đề thi được cho là biên soạn theo định hướng đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Thậm chí, bộ đề ôn thi còn được in logo chìm của một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng.

“Khi tôi đặt một số câu hỏi chất vấn, họ lảng tránh và lộ nguyên hình “trung tâm ma”…”, thầy Đạm chia sẻ. Từ thực tế này, thầy Đạm khuyến cáo thí sinh nên tỉnh táo trước những thông tin “mật ngọt” của một số trung tâm “lởm” để tránh bị lừa.

Nếu xác định ôn thi online, các em cần sàng lọc và lựa chọn trang trực tuyến phù hợp với năng lực, tránh sa đà vào “ma trận” lò luyện thi trực tuyến. Thí sinh không nên nóng vội kẻo bị mất tiền oan. Nếu chọn sách và trang ôn thi trực tuyến nên tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn. Khi đã chọn được nên tập trung học tập nghiêm túc.

Một trang web quảng cáo về luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Ảnh chụp màn hình

Một trang web quảng cáo về luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Ảnh chụp màn hình

Không sa đà vào “lò luyện” trực tuyến

Hiện, có nhiều tổ chức, cá nhân mở các hoạt động ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và chào mời bằng những lời “có cánh” để thu hút thí sinh. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) - khẳng định, dù tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhưng đơn vị không tổ chức ôn luyện hay xuất bản các ấn phẩm phục vụ việc ôn luyện thi.

Bài thi đánh giá năng lực được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, khả năng hiểu biết, vận dụng của học sinh. Do đó, đề thi không chỉ bó hẹp trong sách giáo khoa. Đề thi hướng tới đánh giá khả năng phát triển tư duy, vận dụng của học sinh sau khi tốt nghiệp chương trình THPT. Vì vậy, học sinh khó có thể học tủ hoặc ôn thi theo dạng bộ đề nào đó. Dựa vào các bài thi tham khảo mà các đơn vị tổ chức đã công bố, các tác giả của các bộ đề luyện thi có thể “biến tấu” thành bộ đề thi để mời chào thí sinh. Tuy nhiên, đề luyện thi này không có tính hệ thống.

Mặt khác, các trung tâm luyện thi thường dựa vào đề tham khảo, cóp nhặt của trường này, trường kia rồi biên soạn thành một số đề ôn tập na ná định dạng đề thi đánh giá năng lực. Điều này khiến thí sinh tưởng đề luyện giống đề thi thật.

Trong khi ngân hàng câu hỏi đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội rất lớn và không dễ lặp lại. Năm nay, lên đến 12.000 câu hỏi và mỗi năm bổ sung thêm 25%. Mỗi thí sinh sẽ có một đề thi riêng và khó hy vọng trúng tủ. Do đó, việc các em ôn luyện ở các trung tâm hay các nhóm luyện thi trên mạng sẽ không nhiều ý nghĩa. Điều quan trọng là, thí sinh cần có kế hoạch học tậức cơ bản trong chương trình THPT thì hoàn toàn có thể đạt kết quả cao.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - thông tin, nhiều nhóm/cá nhân mạo danh trường để bán sách luyện thi hoặc mở lớp ôn thi kỳ thi đánh giá tư duy. Những trang web nhân danh trường thông báo công bố đề thi mẫu của kỳ thi đánh giá tư duy, ôn tập, ôn luyện, mẹo làm bài… đều giả mạo. Kỳ thi đánh giá tư duy không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm. Mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn thí sinh có năng lực tư duy tốt, phù hợp với các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ.

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường - khẳng định, học sinh không cần học thêm hay đến các “lò luyện” thi. Với cách thức và quy trình xây dựng đề thi, những người ra đề không thể liên kết với các trung tâm để tổ chức luyện thi. Vì thế, nếu thí sinh và phụ huynh nhận được lời mời quảng cáo về luyện thi từ các giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mong mọi người không tin vào những lời chào mời đó.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, thí sinh không cần đi luyện thi, hay tìm kiếm các “lò luyện” trên mạng. Thay vào đó, cần nắm chắc kiến thức cơ bản, ôn tập theo định hướng của đề thi minh họa để vững vàng kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.