Đừng để lợi ích nhóm chi phối phong trào thi đua giáo viên

GD&TĐ - Chuyện xét thi đua giáo viên trong nhà trường đôi khi bị lợi ích nhóm chi phối, khiến không ít giáo viên chán nản, không mặn mà gì với thi đua, phấn đấu danh hiệu cá nhân.

Thực hư chuyện công nhận “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hiện nay. Ảnh minh họa, theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
Thực hư chuyện công nhận “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hiện nay. Ảnh minh họa, theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Không ít giáo viên tâm sự với tôi rằng, càng ngày họ càng chẳng thấy mặn mà với

danh hiệu thi đua cá nhân. Chẳng phải họ “an phận”, thiếu động lực phấn đấu mà vì cách bình bầu danh hiệu, xét thi đua của nhà trường làm họ chán nản, không “tâm phục khẩu phục”. 

Ban đầu họ cũng từng hăng hái thi đua giảng dạy, chủ nhiệm, công tác đoàn thể... Họ tạo được những thành quả nhất định, góp phần đáng kể trong phong trào giáo dục chung của nhà trường và địa phương. Nhưng cuối năm họ không được Hội đồng thi đua nhà trường bỏ phiếu bình bầu, tên của họ không nằm trong danh sách đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu, khen thưởng. Năm lần bảy lượt như vậy khiến họ đâm ra mất niềm tin, thoái chí. 

Thi đua nhằm thúc đẩy phong trào, tạo động lực làm việc tốt hơn. Nhưng thực tế đôi lúc bị cào bằng, thiếu công tâm bởi lợi ích nhóm chi phối. Hình thức bỏ phiếu kín “đồng ý” hoặc “không đồng ý” không còn ý nghĩa khách quan, công bằng khi trong “Hội đồng thi đua” có một số người cả nể lãnh đạo hoặc phe cánh, bè phái... Lo ngại nhất là tư tưởng “lợi ích nhóm”, sự câu kết cục bộ về quyền lợi của đội ngũ cán bộ cốt cán trong trường. 

Một giáo viên có thể tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nếu bị cá nhân nào đó trong trường “trù dập”, đối xử bất công. Nhưng khi đối mặt với một “nhóm lợi ích” tiêu cực, trong đó có cả lãnh đạo, thì ai dám “đấu tranh” hoặc đấu tranh cho tới cùng? 

Những giáo viên thẳng thắn, trung thực thường không được nhiều người ủng hộ. Họ “cô đơn” trong “phong trào phê bình và tự phê bình”. Tiếng nói của họ đôi khi “lạc điệu” giữa hội nghị, cuộc họp. Nếu ý kiến của họ khác với lãnh đạo hoặc đụng chạm đến “nhóm lợi ích” thì họ sẽ bị “tẩy chay”, bị “đánh hội đồng”. 

Vậy là nguyên tắc “im lặng là vàng” trở nên đắc lực. Họ chẳng quan tâm đến danh hiệu thi đua khen thưởng, miễn “bình yên”, làm trong trách nhiệm của người thầy. Một đồng nghiệp tâm sự với tôi rằng, không ai dám phủ nhận đóng góp của đội ngũ cán bộ cốt cán, nhưng công việc của họ có phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm. Vậy nên cũng cần quan tâm hơn đến những giáo viên, nhân viên bình thường, bởi họ là người lao động trực tiếp, chịu nhiều vất vả. 

Bao chủ trương, kế hoạch của lãnh đạo, nếu không có họ thực thi; bao khó khăn của nhà trường nếu không có họ gánh vác thì nhà trường sẽ thế nào? Chính vì vậy mà Nghị định 65/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ: “Chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác”. 

Thi đua tạo động lực làm việc, nhưng nếu cơ chế xét thi đua bị “lợi ích nhóm” chi phối, lãnh đạo thiếu công tâm, thì thi đua mất hết ý nghĩa, thậm chí thui chột những nhân tố tích cực trong xây dựng nhà trường. 

Để lợi ích nhóm không có “chỗ đứng” phong trào thi đua giáo viên, thiết nghĩ, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Chi ủy chi bộ, Ban chấp hành công đoàn, Thanh tra nhân dân phải phát huy vai trò chỉ đạo hoặc giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Các cấp lãnh đạo Sở, Phòng GD&ĐT cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi đua khen thưởng của các trường. Tiêu chí xét thi đua bình bầu phải được cụ thể hóa rõ ràng, minh bạch. 

Ý kiến nhất trí bằng hình thức bỏ phiếu kín của tập thể Hội đồng sư phạm là cơ sở khá tin cậy để Hội đồng thi đua tham khảo khi bình xét. Chắc chắn càng về sau cơ chế xét thi đua trong ngành giáo dục càng hoàn thiện hơn, nhưng không gì thay thế được tinh thần trách nhiệm và ý thức tự trọng của nhà giáo.                                                                              

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.