Đừng để học sinh 'tự bơi'

GD&TĐ - Thời điểm này là giai đoạn quan trọng đối với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, khi điểm thi chính thức được công bố, thí sinh có 13 ngày (từ 18 - 30/7) để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học. Trước khi “chốt” nguyện vọng sẽ là cả quá trình nghiên cứu về các ngành nghề, ngành học và lựa chọn trường.

Có thể thấy, xã hội càng phát triển, ý thức của người học về lựa chọn nghề nghiệp càng gia tăng. Không như nhiều năm trước đây, việc chọn nghề, ngành, trường phần nhiều cảm tính, theo bạn bè, người thân…; nay học sinh quan tâm từ sớm về nghề nghiệp của bản thân sau này, ngành học nào và trường nào phù hợp. Đây là kết quả của công tác hướng nghiệp, truyền thông… và trên hết là đòi hỏi của xã hội.

Hiện cơ hội tiếp cận của học sinh với thông tin về nghề nghiệp, ngành học vô cùng lớn. Ở trường phổ thông, với Chương trình GDPT 2018, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua các môn học và hoạt động giáo dục, tập trung ở môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở THCS; các môn học ở THPT và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng với Nội dung giáo dục của địa phương.

Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được thực hiện thường xuyên và liên tục; trong đó tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục đại học cũng phong phú các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh; công khai thông tin về chương trình học, cơ hội nghề nghiệp của từng ngành đào tạo…

Đặc biệt, kho thông tin khổng lồ trên Internet, các trang mạng xã hội giúp thí sinh có thể tìm hiểu thông tin về mọi ngành nghề chỉ bằng một click chuột. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là nếu để học sinh “tự bơi” giữa biển thông tin trắng, đen lẫn lộn đó, các em rất dễ bị bối rối, lạc hướng. Ví dụ, lạc vào ma trận những thông tin theo trào lưu “bóc phốt nghề”, “góc khuất nghề”, nhiều học sinh bị lung lay, hoang mang với quyết định của mình, có thể dẫn đến lựa chọn gây hối tiếc sau này.

Tuổi còn nhỏ, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, việc tìm hiểu, chọn ngành, trường của học sinh không thể thiếu sự đồng hành của thầy cô, cha mẹ. Giáo viên chủ động tìm hiểu, cung cấp thông tin đáng tin cậy về các ngành nghề để cung cấp, tư vấn học sinh là cần thiết.

Các cơ sở giáo dục đại học khi thông tin về ngành đào tạo cũng cần phong phú, đa chiều hơn; có cả những yêu cầu với người học khi lựa chọn ngành học cụ thể, những khó khăn của ngành nghề… thay vì chỉ “tô hồng”, một chiều. Khi không phải “tự bơi” và được sự đồng hành một cách chất lượng từ giáo viên, nhà trường, gia đình, các em sẽ lựa chọn được ngành học phù hợp nhất với bản thân.

Quan trọng hơn cả, công tác giáo dục hướng nghiệp (bao gồm toàn bộ hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội) cần được quan tâm, thực chất, hiệu quả hơn nữa. Công tác này cần đáp ứng được yêu cầu trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh; từ đó giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị bản thân cũng như điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và nhu cầu xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ