Nghiên cứu kỹ, tìm hiểu sâu
Theo TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TPHCM, việc đầu tiên, thí sinh cần nhớ các mốc thời gian quan trọng trong xét tuyển đại học. Theo đó, từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh bắt đầu thực hiện việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (không giới hạn số lần) trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).
“Thời điểm này, thí sinh nên liệt kê các ngành, trường học mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các nguyện vọng xét tuyển, rồi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Những việc này, thí sinh nên ‘nháp’ ra giấy. Đây là lúc các em có nhiều thời gian nên cần tính toán, cân nhắc nguyện vọng xét tuyển cẩn thận để chọn đúng và trúng”, đại diện Trường ĐH Công Thương TPHCM tư vấn.
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) lưu ý, nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng thì đến khi Hệ thống “mở cổng”, các em có thể thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo đúng ý đồ. Thời điểm này, thí sinh nên dành thời gian nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường dự định đăng ký xét tuyển; đồng thời nên tham khảo chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm.
“Nếu có điều kiện, thí sinh và phụ huynh có thể trực tiếp đến cơ sở đào tạo để “thị sát” về cơ sở vật chất và được tư vấn chuyên sâu về chương trình đào tạo của ngành học dự định xét tuyển”, TS Võ Thanh Hải khuyến nghị và trao đổi, trường hợp đã có kết quả trúng tuyển sớm và đó là ngành phù hợp, yêu thích, mong muốn học nhất thì các em có thể chỉ đăng ký một nguyện vọng đó trên Hệ thống.
Một trong những điểm quan trọng mà PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) nhắc nhở thí sinh là, các khâu trong quá trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến (từ đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho tới xác nhận nhập học). Do đó, thí sinh cần đọc kỹ Quy chế tuyển sinh, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, theo dõi sát thông báo của các trường để thực hiện đúng, đủ quy trình, tránh đánh mất cơ hội.
Không bỏ sót quy trình
Để xây dựng danh mục nguyện vọng, các em cần căn cứ vào nhiều yếu tố: Sở thích của bản thân, phù hợp với năng lực, tố chất và điều kiện về tài chính, môi trường đào tạo, cơ hội việc làm, TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội tư vấn. Các em nên tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành học yêu thích của 2 năm gần nhất. Để bảo đảm khả năng trúng tuyển, thí sinh nên lựa chọn một vài ngành học có số điểm trúng tuyển của những năm trước thấp hơn so với điểm tốt nghiệp THPT mà mình dự kiến.
Sau khi cân nhắc các yếu tố, thí sinh nên chia nhóm nguyện vọng gồm: Nhóm ngành mong muốn được vào học nhất; nhóm vừa sức (có khả năng trúng tuyển). Sau khi đã xây dựng danh mục trên căn cứ từ nhiều yếu tố, thí sinh sắp xếp thứ tự các nguyện vọng theo nguyên tắc, ngành nào yêu thích thì xếp lên trên, sau đó giảm dần dựa theo sở thích.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, để hạn chế sai sót, nhầm lẫn có thể xảy ra trong quá trình đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã cải tiến Hệ thống, trong đó thí sinh chỉ phải đăng ký theo mã xét tuyển (ngành hoặc nhóm ngành), không phải đăng ký phương thức, tổ hợp xét tuyển như các năm trước đây. Đồng thời, khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh được thí sinh khai báo và các điểm tiếp nhận (trường phổ thông) rà soát, xác nhận ngay khi thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tuyển sinh trong đề án hoặc thông báo tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, có sự chuẩn bị tốt nhất về điều kiện tuyển sinh như: Thi năng khiếu, sơ tuyển, phương thức xét tuyển nào phù hợp… Theo quy định, tất cả thí sinh phải tham gia đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, kể cả thí sinh đã xét, trúng tuyển sớm. Vì thế, các em cần tham gia thực hành đăng ký xét tuyển trên Hệ thống để tránh bỡ ngỡ, làm sai hoặc bỏ sót quy trình…
Bên cạnh đó, thí sinh cần nghiên cứu kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và thực hiện theo đúng thời gian quy định; nghiên cứu tài liệu đăng ký xét tuyển và thực hiện đúng, đủ, hết toàn bộ quy trình đăng ký xét tuyển; nộp lệ phí xét tuyển (trực tuyến) và xác nhận nhập học (cũng thực hiện trực tuyến) trên Hệ thống đúng thời gian quy định tại Kế hoạch tuyển sinh năm 2024.
Đối với thí sinh xét tuyển sớm, xét tuyển thẳng phải thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp các minh chứng cho cơ sở đào tạo theo đúng thời gian quy định. Nếu trúng tuyển, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống.
Các mốc thời gian quan trọng sau thi tốt nghiệp THPT năm 2024:
- Từ ngày 1/7 đến ngày 20/7, cấp tài khoản bổ sung cho thí sinh tự do chưa có tài khoản trên Hệ thống.
- Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
- Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8: Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
- Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên Hệ thống.
- Trước 17 giờ ngày 19/8, thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
- Chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.