Đừng để ân hận cả đời vì chủ quan với bệnh vàng da của trẻ mới sinh

GD&TĐ - Vàng da ở trẻ sơ sinh phần lớn do sinh lý, nhưng không ít trường hợp là do bệnh lý. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan trước biểu hiện này ở trẻ. Hãy lưu ý để kịp thời phát hiện và chữa trị, tránh hậu quả đáng tiếc.

Vàng da sơ sinh là bệnh lý tương đối phổ biến.
Vàng da sơ sinh là bệnh lý tương đối phổ biến.

Cưới nhau 1 năm thì chị T (Ứng Hòa, HN) sinh con đầu lòng. Bé trai sinh non tháng, lọt lòng nặng chỉ 2,5kg. Sau khi sinh được 1 ngày thì cháu xuất hiện vàng da, đặc biệt tập trung ở lòng bàn tay, mắt, mũi.

Mọi người xung quanh khuyên chị T không cần đi khám mà chỉ cần cho con phơi nắng hằng ngày là khỏi. Nào ngờ, con chị lại có dấu hiệu bỏ bú, đờ đẫn, vàng da lan xuống bụng, đùi. Vợ chồng chị vội vàng cho con đi khám thì phát hiện cháu bị vàng da bệnh lý, do được phát hiện và điều trị muộn nên ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cháu bé bị bại não.

Chị T là một trong số nhiều bà mẹ còn chủ quan khi phát hiện con vừa sinh ra bị vàng da. Thực tế, vàng da ở trẻ sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng hơn thành vàng da bệnh lý.

Khoảng cách tiến triển từ vàng da sinh lý sang vàng da bệnh lý là rất mong manh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ như bị nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin giám tiếp thấm vào não, khiến trẻ tử vong hoặc bại não suốt đời.

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Ngô Thị Hương, Chuyên khoa Nhi, BV Hữu Nghị Lạc Việt, cơ chế gây vàng da là do tăng sắc tố bilirubin trong máu. Bilirubin tăng có thể do tăng sản xuất (hồng cầu vỡ giải phóng ra) hoặc do bị tắc không đào thải được (tắc mật).

Đối với những trẻ bình thường không đẻ non, không ốm đau bệnh tật nếu bị vàng da mức độ nhẹ, thì cơ thể của bé sẽ tự chuyển hóa sắc tố bilirubin đó qua gan để không gây độc cho cơ thể. Nhưng nhiều trẻ vì lý do nào đó như đẻ non; bất đồng nhóm máu với mẹ - con (VD: mẹ nhóm O-con nhóm A,B,AB...hoặc mẹ Rh (-) con Rh(+));

Trẻ mắc một số bệnh bẩm sinh di truyền như bệnh Gilbert, Crigler Najjar, thiểu năng tuyến giám bẩm sinh… thì sắc tố bilirubin sẽ tăng cao trong máu. Nếu bilirubin tăng quá cao, vượt ngưỡng cho phép thì sẽ ngấm vào não gây hủy hoại tế bào thần kinh của trẻ (hay còn gọi là vàng da nhân não).

Trẻ bị biến chứng vàng da nhân có biểu hiện bỏ bú, ly bì, co giật, hôn mê, có thể gây bại não hoặc tử vong cho trẻ.

Bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện bằng mắt thường.
Bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện bằng mắt thường.

“Đa số cha mẹ đặt con trong buồng tối nên không nhận biết được trẻ bị vàng da. Ngoài ra, nhiều cha mẹ thấy con bị vàng da, nghĩ là vàng da thông thường nên không đưa đi khám mà chỉ phơi nắng, đến khi bé bỏ bú, đờ đẫn, nguy kịch mới đưa đi viện thì đã quá muộn” – BS Hương cho biết.

BS. Hương khuyến cáo, điều quan trọng nhất là bố mẹ phát hiện kịp thời khi con có biểu hiện vàng da, đặc biệt khi trẻ bị vàng da sớm trong vòng 48 giờ sau sinh.

Để phát hiện bệnh vàng da của con, mẹ cần được ở trong phòng đủ ánh sáng để phát hiện các bất thường về màu da của con mình, thay vì luôn ở trong phòng thì thi thoảng nên cho con ra ngoài ánh sáng mặt trời để quan sát sắc da của con.

Nếu thấy vàng da từ trán xuống ngực và xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau sinh thì có thể theo dõi ở nhà. Nhưng nếu thấy vàng da xuống bụng và đùi hay toàn thân thì cần phải đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

“Thông thường, trẻ vàng da bác sĩ sẽ xét nghiệm xem nồng độ bilirubin gián tiếp trong máu nếu không quá cao thì có thể cho trẻ theo dõi tắm nắng tại nhà hoặc chiếu đèn để bilirubin đào thải nhanh, còn nếu bilirubin gián tiếp quá cao có nguy cơ gây vàng da nhân não thì phải thay máu cho trẻ”– BS Hương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ