Đừng dạy trẻ bằng bạo lực

GD&TĐ - Dạo gần đây, trên mạng xã hội lại lan truyền những đoạn clip về bạo lực học đường và mới đây nhất là vụ việc nam sinh lớp 5 trường Tiểu học An Bình B (Bình Dương) bị bạn ép nuốt 9 viên bi sắt, suýt tử vong. Đây không phải là lần đầu tiên dư luận chứng kiến những vụ bạo lực xảy ra ngay trong trường học.

Đừng dạy trẻ bằng bạo lực

Sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh có quyền đổ lỗi cho nhà trường vì không giám sát tốt học sinh. Xã hội có thể trách về sự buông lỏng quản lí của thầy cô giảng dạy. Nhưng suy cho cùng, rất có thể một phần nguyên nhân khiến các em có thói bạo lực vì bị ảnh hưởng từ lối sống của gia đình.

Chợt bản thân tôi lại nghĩ, vì sao lại phải dùng bạo lực mà trong khi ta có nhiều biện pháp tốt hơn. Có thể ai đó sẽ nói, người ngoài cuộc nói lúc nào chả hay. Vậy tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của chính mình. Đó sẽ là một cách chứng minh đơn giản nhất…

Chuyện là thế này! Trong một buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm hỏi mình "Have you ever hit your kids?" (Bạn đã bao giờ đánh con của bạn?) Mình trả lời "Never" (chưa hề/ không bao giờ) mà cô và cả lớp đều ngạc nhiên, không tin mình nói thật, cứ liên tục hỏi "tại sao, tại sao..."

Thật sự, mình thì không hiểu tại sao lại sử dụng đòn roi với trẻ, tại sao lại dạy con "sử dụng bạo lực để đạt mục đích"... rồi chính chúng ta lại vất vả dạy thêm một điều song song là "đánh nhau là rất xấu"?

Đơn cử, như trong nhà mình có đến hai bạn trai khoẻ mạnh, bạn nào cũng nhiều năng lượng nên rất hiếu động. Nhiều lần làm mình khùng lắm và đỉnh điểm là mình đã hét lên với con. Để rồi sau đấy mình phải xin lỗi con như hai người bạn và không quên kèm theo câu "Ba làm vậy là xấu lắm đấy, con đừng bắt chước ba nhé!".

Hầu hết trong mọi trường hợp, con chưa làm đúng theo ý mình, thay vì hành động thì mình nên nói chuyện với con, phân tích việc con làm vừa rồi sẽ gây hậu quả thế nào, làm ai buồn hay gây ảnh hưởng gì?

Bạn bè đôi khi đến nhà, thấy mình dạy con có đứa thì bảo mình “diễn”, có đứa thì chắp tay lạy mình vì kiên nhẫn "quá đáng" với con, đứa đàng hoàng nhất thì nói "nể mày thật, gặp tao thì chỉ lệnh cho một câu và làm thôi, nếu không làm thì bị đòn".

Làm bố mẹ là nghề khó nhất nhưng cũng đơn giản nhất - đối với mình - mình học từ những cảm xúc cá nhân của bản thân, học từ những gì mình quan sát được và cả những phương pháp loại trừ từ cách dạy của bố mẹ mình nữa.

Hiểu được vấn đề là con trẻ phải có làm sai thì mới có làm đúng, phải có những trải nghiệm tự bản thân, rồi nhiệm vụ của người lớn là phân tích cho con biết cái nào nên và không nên làm. Bản thân con hiểu hành động nào phù hợp thì con sẽ có lựa chọn đúng.

Ép buộc theo ý bố mẹ mà không phân tích thì chỉ gây ức chế và dồn nén cảm xúc tiêu cực trong lòng con, đặc biệt là khi con bị sử dụng bạo lực, con chỉ ngưng làm việc đó...vì con sợ đau... Nhiều bậc phụ huynh không bao giờ đánh con, dù cho một cái thật nhẹ kiểu cảnh cáo, vì nhiều lí do:

Trước tiên, tôi không muốn con học theo việc "dùng bạo lực để đạt được mục đích" và đâu ai giới hạn được mục đích cá nhân của chính mình và nhiều người khác.

Thứ hai, tôi cũng chính là nạn nhân của việc bị bạn đánh khi còn học cấp I. Lúc nào cũng sợ đến lớp rồi cứ ước ao mau mau vào cấp hai, vì anh chị mình khi ấy nói lên lớp lớn không bị "no đòn" nữa. Nhưng sự thật không phải vậy!

Thứ ba, việc nói rõ ràng phải – trái, giúp chính con ý thức được không chỉ việc đang đề cập đến mà còn tạo cho con thói quen suy nghĩ trước khi hành động. Dù đôi khi đứng ở vị trí và góc nhìn của người lớn, mình thấy việc nói chuyện với con như kẻ dở hơi và ngớ ngẩn, nhưng mình có niềm tin mãnh liệt vào sự kiên nhẫn này. Vì khi con có tư tưởng bạo lực sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ không kiểm soát được.

Và cuối cùng, tôi mong sau này mình già nua, lú lẫn. Các con của tôi, chúng nó cũng kiên nhẫn lại và không "bộp tai" mình mỗi khi "không đúng ý" nó, như cách mà ba mẹ đã làm khi chúng còn nhỏ.

Hãy chịu khó, kiên nhẫn một chút thôi, chúng ta sẽ có những "người yêu" lý tưởng đáng tự hào cho thế hệ tương lai. Nếu những tế bào “gia đình” làm tốt việc giáo dục này ngay từ khi các con còn nhỏ, tin chắc rằng thì kĩ năng ứng xử, hành xử khi lớn của các con sẽ khác

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ