Câu chuyện về cháu bé 5 tuổi ở Vĩnh Phúc bị chó hàng xóm cắn dẫn đến tử vong vừa xảy ra là chuyện không lạ về tình trạng chó cắn người gây thương tích lâu nay. Chỉ lạ một điều là, việc ấy cứ lặp đi lặp lại, năm nào cũng có nhưng rồi chẳng có giải pháp nào chấm dứt tình trạng này dù không quá khó.
Người hàng xóm, chủ của hai con chó béc giê và bố mẹ của cháu bé vốn thân thiện với nhau. Nhưng chính sự thân thiện ấy đã dẫn đến chủ quan để xảy ra bi kịch. Chó là loài vật thông minh, gần gũi và trung thành với con người nhất nhưng nó hoàn toàn không phân biệt rằng đã là hàng xóm thì không được tấn công như những gì đã xảy ra!
Nhiều người nuôi chó và coi chó như một thành viên trong gia đình. Điều này không có gì sai cả, nhưng không phải con chó nào cũng thân thiện với con người, nhất là những giống chó hung dữ như béc giê. Loại chó này có thể tấn công cả những người trực tiếp nuôi nó. Vì vậy, mọi sự chủ quan về chó nuôi đều có thể trả giá đắt.
Hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng chó nhà cắn người. Nhẹ thì mất vài ba triệu đồng để tiêm vắc-xin phòng dại, nặng thì thương tích trầm trọng phải điều trị dài ngày, nặng thêm nữa thì tử vong.
Sau mỗi lần “chó cắn người” như thế, hàng loạt cảnh báo từ cơ quan chức năng được đưa ra. Nào là gia chủ không được thả chó chạy rông ngoài đường; nếu thả chó ra đường, dứt khoát phải rọ mõm; rồi gia chủ nuôi chó phải tiêm phòng dại thường xuyên cho chó… Nhưng rồi, chó vẫn cứ… cắn người.
Một cụ bà ở nhà một mình bị chó cắn chết, một cháu bé bị chó hàng xóm cắn nát mặt, một học sinh bị chó nhà cắn dẫn đến tử vong… là những câu chuyện đã xảy ra. Ấy thế mà, chó có chủ nuôi hẳn hoi, vẫn cứ lông nhông ngoài đường mà không hề rọ mõm. Chúng luôn làm phiền hàng xóm, nhẹ thì xả thải ra đường, nặng thì… rượt lũ trẻ con!
Điểm b, khoản 2 Điều 7 Nghị định 92/2017 quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”.
Tại TPHCM có hẳn một đội săn bắt những con chó lang thang trên đường mà không đeo rọ mõm. Có những phường, quận mở hẳn một “chiến dịch truy quét chó lang thang không đeo rọ mõm” và đã có hàng trăm con chó bị bắt trong các đợt truy quét này.
Chủ nhân của những con chó bị bắt giữ đã đến chuộc lại và nộp tiền phạt, song được một thời gian, đâu lại hoàn đấy. Chó vẫn cứ thả rông mà không xích, không đeo rọ mõm, chó vẫn cứ xả bậy trên hè phố, chó vẫn cứ tấn công người… Có lẽ khung hình phạt quá nhẹ chăng?
Trở lại với câu chuyện ở đầu bài viết. Chủ nhân của hai con chó béc giê cắn chết cháu bé đã bị bắt giam và sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù cao nhất là 5 năm tù. Nhưng dù có phạt tù hơn thế nữa thì cũng không thể nào bù lại với sự mất mát của gia đình cháu bé.