Đừng chọn người “chỉ tay 5 ngón” làm đại biểu Quốc hội

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, về quy định chung, đừng chọn người có chức vụ. Người có chức vụ chỉ đứng chỉ tay năm ngón. Nói là vậy, nhưng người có chức vụ soạn thảo văn bản, tham mưu rất khó trừ trường hợp trưởng thành từ chuyên viên

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP. HCM)
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP. HCM)
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi chiều 22/10, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) đồng tình với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội “trung thành với Tổ quốc”. Nhưng ông đề nghị bổ sung thêm: “Phải trung thành với lợi ích dân tộc, quốc gia”.

Ông phân tích, khi đại biểu Quốc hội phát biểu, bấm nút biểu quyết những vấn đề quan trọng quốc gia phải dựa trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Chẳng hạn sắp tới đây xem xét dự án sân bay Long Thành phải dựa trên lợi ích của dân tộc.

Ông cũng cho rằng, trong dự thảo luật quy định, đại biểu Quốc hội có trình độ năng lực... là quy định còn chung chung quá, chưa rõ ràng.

Ông Đương đề nghị, đại biểu Quốc hội phải có năng lực “đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”. Hơn nữa phải có chính kiến, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử chi và trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình.

“Phát biểu ý kiến trước Quốc hội không lấy bài của người khác đọc, phải có chính kiến độc lập, có tính phản biện”, Đại biểu Đương nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, riêng với trường hợp đại biểu chuyên trách phải có tính chất khác với đại biểu Quốc hội nói chung. Do đó phải có tiêu chuẩn về năng lực, trình độ về các lĩnh vực.

Ví dụ trong tư pháp, đại biểu chuyên trách đọc có thể biết thế nào là oan sai, phát hiện chỗ nào ngụy biện, chỗ nào là thực chất.

Ông đề xuất tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu chuyên trách phải căn cứ, phụ thuộc vào năng lực và tố chất. Ít nhất là chuyên viên cao cấp.

“Về quy định chung, đừng chọn người có chức vụ. Người có chức vụ chỉ đứng chỉ tay năm ngón. Nói là vậy, nhưng người có chức vụ soạn thảo văn bản, tham mưu rất khó trừ trường hợp trưởng thành từ chuyên viên”, đại biểu Đương lưu ý.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị đại biểu chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp ít nhất 15 năm trong lĩnh vực theo dõi. Để có kỹ năng đề xuất chính sách pháp luật có kỹ năng soạn thảo văn bản, giám sát và phản biện.

“Thậm chí riêng đối với đại biểu chuyên trách, mỗi người phải phát biểu một lần trong kỳ họp. Phát biểu thì mới biết anh có dám làm không, có dám nhận trách nhiệm không”, ông Đương bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, Quốc hội ngày càng đổi mới, do vậy trách nhiệm ngày càng nặng nề, yêu cầu của nhân dân cao hơn. Do vậy, cần đưa ra tiêu chuẩn cụ thể, gắn với các hoạt động hiện hành với các đại biểu Quốc hội. 

Theo đại biểu, nên quy định cụ thể thời gian trong năm cho hoạt động của Quốc hội. Quy định như vậy để cử tri thấy rõ thời gian hoạt động có đáp ứng được yêu cầu hay không.

Cũng phát biểu tại hội trường ngày 22/10, các đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Nguyễn Thanh Sơn (Nam Định) kiến nghị cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu cùng cho rằng, tiêu chuẩn và chất lượng của đại biểu phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Theo khampha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ