Vừa qua, “Hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hóa thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh - sinh viên” diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Hội thảo nhằm triển khai chương trình nghiên cứu chuyên biệt dành cho học sinh, sinh viên thông qua tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp con người Việt Nam…
Hội thảo cũng nhằm tăng cường và cụ thể hóa mối liên kết “Thiết chế văn hóa – Nhà trường” với mục tiêu tiêu chuẩn hóa nội dung, tăng tần suất hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục ngoài nhà trường tại các thiết chế văn hóa.
Hội thảo thảo luận một số chủ đề chính như sự phù hợp của hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với hoạt động giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh - sinh viên; Đa dạng phương pháp học tập trong hoạt động giáo dục trải nghiệm…
Cùng với đó là sự cần thiết của công tác thuyết minh, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động trải nghiệm tại không gian ngoài nhà trường.
Quan điểm và nhu cầu của các trường phổ thông trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm. Xây dựng chương trình hoạt động trải nghiệm nhằm triển khai mô hình phối hợp: Thiết chế văn hóa – Nhà trường – Công ty du lịch văn hóa.
Có thể nói, giáo dục giá trị văn hóa thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên là cần thiết. Đặc biệt, như phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục”.
Thế nhưng cũng phải hiểu rằng, chỉ mình nhà trường thực hiện thì chưa đủ, mà còn buộc phải có sự đồng hành từ gia đình và toàn xã hội.
Trải nghiệm văn hóa dành cho học sinh là cần thiết, hoạt động ngoại khóa càng cần thiết hơn. Tuy nhiên, không đơn giản để tổ chức được một buổi ngoại khóa vì hai vấn đề chính: An toàn và kinh phí.
Đã từng có những vụ việc học sinh bị rủi ro tai nạn trong quá trình trải nghiệm ngoại khóa. Cũng từng có những đơn kiện liên quan đến kinh phí. Trong khi đơn vị thu lợi nhất là điểm du lịch, cũng như các công ty về lữ hành. Nhưng đối tượng cuối cùng phải đứng ra gánh hậu quả lại là nhà trường.
Có nhiều cách để chấn hưng văn hóa, cũng có nhiều cách để trải nghiệm giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh – sinh viên. Đầu tiên, là khơi gợi tình yêu văn hóa ở chính địa phương mà học sinh đang theo học – qua các di tích, những buổi nghệ nhân kể chuyện, hoặc thực hiện trải nghiệm live qua nền tảng công nghệ.
Còn nếu thực hiện những chuyến trải nghiệm ở xa, thì mô hình phối hợp “Thiết chế văn hóa – Nhà trường – Công ty du lịch văn hóa” cần phải tính toán lại, bảo đảm hai phương án: An toàn và kinh phí.
Không thể biến nhà trường thành “người có tóc”, trong khi điểm du lịch và công ty lữ hành tự cho mình là “kẻ trọc đầu” – coi lợi nhuận là trên hết, sống chết mặc bay.