Đừng bẻ cong thước đo giáo dục

GD&TĐ - Một nữ doanh nhân công ty du lịch ở Phú Quốc vừa khiến mạng xã hội dậy sóng vì đăng đàn nói lời tệ bạc về giáo viên, hiệu trưởng trường con gái bà theo học. Nguyên nhân chỉ vì nhà trường làm… đúng nguyên tắc.

Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)

Sự việc khởi nguồn từ việc con gái nữ doanh nhân học lớp 11B8 Trường THPT Phú Quốc không được lên lớp 12 vì nghỉ tổng cộng 50 ngày (cả có phép và không phép). Nữ doanh nhân xác nhận việc con nghỉ học nhiều do bệnh, đã năn nỉ nhà trường xem xét nhưng không được. Bức xúc, bà mẹ đã lên mạng rủa sả nhà trường bằng những ngôn từ không hay.

Về phía Trường THPT Phú Quốc, lãnh đạo nhà trường đã thẳng thắn chia sẻ với báo giới về trường hợp HS lớp 11 phải lưu ban. Con gái nữ doanh nhân hạnh kiểm trung bình vì nghỉ học nhiều, trong quá trình học tập có vi phạm nội quy nhà trường như mặc không đúng đồng phục, trang điểm khi đi học… Cô giáo chủ nhiệm có thông báo đến phụ huynh tình hình con em. Bản thân nữ doanh nhân cũng chưa bổ sung hồ sơ, bệnh án về việc con nghỉ học vì chữa bệnh cho nhà trường.

Để quyết định một HS phải lưu ban, Trường THPT Phú Quốc đã họp hội đồng thi đua trước khi kết thúc năm học, cùng trao đổi, cân nhắc và cuối cùng đi đến kết luận để nữ sinh ở lại lớp. Đầu tháng 7, hội đồng họp thêm một lần nữa để trả lời kết quả với Sở GD&ĐT và trả lời chính thức bằng văn bản cho phụ huynh về kết luận vụ việc.

Có thể thấy, nhà trường đã làm đúng theo quy định, quy trình của ngành GD, không có sự thiên lệch, không đi tắt, trù dập HS.

Điều khiến nhiều người bức xúc chính là thái độ của bà mẹ nữ sinh. Lời chia sẻ về việc có nhiều đóng góp cho GD địa phương lại càng khiến nữ doanh nhân hứng thêm nhiều “gạch đá”. Phải chăng đang có một số người suy nghĩ cứ tài trợ nhà trường, trao vài suất học bổng cho HS thì người thân phải được đặc cách? Đã đến lúc cần sòng phẳng, rạch ròi giữa việc đóng góp và việc học hành của con cái. Thực tế cho thấy người thật tâm làm việc thiện hiếm khi ra mặt, xưng tên và tuyệt đối không khoe khoang, đòi hỏi “hoàn nợ”. Làm như vậy cũng là một cách để dạy con, tiếp nối những bài giảng trong nhà trường.

Việc chẳng có gì to tát nếu con bị bệnh, nghỉ học hơn 45 buổi/năm, phụ huynh vui vẻ để cháu học lại thêm năm nữa. Có bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện của mình, rằng năm học lớp 1 anh bị bệnh phải nhập viện cả tháng. Trong thời gian ở viện, anh vẫn được gia đình kèm học. Thứ Bảy, Chủ nhật, thầy chủ nhiệm còn đến viện dạy riêng để anh vẫn theo kịp các bạn trên lớp. Cuối năm thầy cũng cho đi thi, kết quả đạt hạng nhì nhưng cha anh vẫn bắt ở lại lớp. Anh vẫn nhớ lời cha nói lúc đó: “Điểm số hay danh hiệu khá giỏi không phải là cái quyết định, cha muốn rèn cho con tính kỷ luật”. Sau này, anh mới hiểu giá trị của việc ở lại lớp 1 năm đó, để thấy quý quãng thời gian đi học, quý những giây phút được ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài.

Sau vụ việc, nhà trường không yêu cầu phụ huynh xin lỗi, chỉ bày tỏ mong muốn bà mẹ nên có những phát ngôn đúng chuẩn mực của một doanh nhân. Chỉ một câu nói thôi đủ thấy thầy, cô giáo thể hiện tầm văn hóa và sự bao dung, xứng đáng là những người thầy đứng trên bục giảng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.