Dục tốc bất đạt

GD&TĐ - Đến hôm nay, thầy và trò lớp 1 đã trải qua 4 tuần dạy và học theo sách giáo khoa (SGK) mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một thời gian dài được nghiên cứu và tham gia chọn SGK, lại thêm công tác tập huấn được các địa phương thực hiện khá kỹ lưỡng nên đa số giáo viên đã bắt kịp với đổi mới. Nhiều điểm tích cực của Chương trình - SGK mới sớm được bộc lộ trong quá trình triển khai như dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, giáo viên linh hoạt chủ động thời lượng học tập phù hợp, học sinh học tập trong tâm thế vừa học vừa chơi …

Tuy thế, việc chia tay một chương trình - SGK đã quen thuộc trong 20 năm để bắt đầu cái mới không phải ai cũng dễ dàng vào cuộc, nhất là khi dạy học SGK mới buộc giáo viên phải đổi mới. Bên cạnh đa số giáo viên bình tĩnh, tự tin triển khai, đâu đó ở một vài trường học, một vài giáo viên vẫn còn bị “quán tính” cũ níu kéo, nôn nóng, nhất là trong dạy học môn Tiếng Việt. Lại có nơi quá chuyên chú luyện vở sạch chữ đẹp, trong khi chương trình mới không đặt quá cao yêu cầu tập viết.

“Chương trình đổi mới mà giáo viên, phụ huynh chưa đổi mới cách nghĩ sẽ tạo nên áp lực, và từ áp lực đó dẫn đến làn sóng than thở”, nhà giáo Nguyễn Thị Lương (Trường Tiểu học Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) lưu ý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế, chương trình lớp 1 mới không nặng, nếu không muốn nói là đã giảm tải so với chương trình cũ. Với môn Tiếng Việt, cũng 29 chữ cái và khoảng 140 vần, thay vì học 10 tiết/tuần, nay học sinh được học 12 tiết /tuần. Cũng theo chương trình mới, giáo viên được quyền quyết định thời lượng dạy học tuỳ theo khả năng học sinh. Đặc biệt, SGK mới như Cánh diều còn dành thời lượng ôn tập đến 64 tiết, là thời gian thỏa sức cho giáo viên co giãn tuỳ theo trình độ, năng lực tiếp thu của trò… Nơi nào học sinh chậm thì tập trung hoàn thành phần chính, nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình mới “Giáo viên không cần phải vội chạy cho hết bài”.

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo với việc dạy học Chương trình - SGK mới theo hướng mở, tùy theo tình hình thực tế, giáo viên có thể giảm số tiếng, từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện buổi chiều nếu học sinh chưa hiểu hết. Nắm chắc tinh thần này để đổi mới, thầy cô sẽ không tạo áp lực cho mình, trò. Phụ huynh cần hiểu nội dung chương trình mới, cách tiếp cận SGK để không quá căng thẳng khi thấy con chậm hơn bạn hay chẳng may quên chữ, số.

Thời gian 1 tháng là quá ngắn đánh giá về hiệu quả của việc dạy học chương trình - SGK mới. Có thể trong quá trình dạy học sẽ có những vấn đề cần phải nghiên cứu, điều chỉnh để tốt hơn. Tuy nhiên, trong bước đường khởi đầu này, cần lắm sự bình tĩnh, kiên nhẫn của giáo viên lớp 1, sự quan tâm, động viên, truyền thông tốt của các cấp quản lí, đặc biệt là sự chung tay chia sẻ, đồng lòng của cha mẹ học sinh. Dục tốc bất đạt, cha ông ta xưa đã nói. Trẻ mới vào lớp 1 như tờ giấy trắng, việc có quên, sai sót, hay không nhớ một vài từ cũng là chuyện bình thường. Nếu giáo viên, phụ huynh cùng nôn nóng, mọi áp lực lại dồn lên những đôi vai nhỏ, làm sao các em có thể mỗi ngày đến trường là một ngày vui?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ