Tại buổi làm việc, ông Joybrato thông báo Đức sẽ tiếp nhận ít nhất 100.000 sinh viên và học giả Ukraine vào các cơ sở giáo dục đại học trong tương lai gần.
Theo ông Joybrato, Đức đã và đang học hỏi kinh nghiệm từ Ba Lan, nơi tiếp nhận số lượng lớn sinh viên Ukraine sau cuộc chiến Ukraine – Nga, trong đó hơn 1/2 là sinh viên quốc tế. Không chỉ chào đón sinh viên Ukraine lẫn sinh viên quốc tế, Ba Lan đang tích cực hỗ trợ học giả, giáo viên, giảng viên người Ukraine hòa nhập với môi trường giáo dục nước này.
Cụ thể, giáo viên người Ukraine được mời làm trợ giảng trong các trường phổ thông để hỗ trợ giáo viên Ba Lan giao tiếp với học sinh tị nạn người Ukraine. Học giả Ukraine được cho phép tiếp tục làm việc, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục tại Ba Lan và hỗ trợ sinh viên người Ukraine theo học tại đây.
Cùng với Ba Lan, Đức sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất có thể cho các sinh viên, học giả người Ukraine phải tạm rời đất nước lánh nạn. Từ ngày 15/3, Đức đã phê duyệt nguồn kinh phí 5 triệu euro (tương đương 5,5 triệu USD) để cấp học bổng và hỗ trợ sinh viên, học giả người Ukraine. Số tiền này hiện đang được phân bổ cho các tổ chức giáo dục đại học trên cả nước. Các trường đại học Đức cũng tích cực tham gia tư vấn, hỗ trợ tình nguyện cho người tị nạn Ukraine.
Phát biểu tại Hội nghị Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học Ba Lan, ông Joybrato cho biết: “Tại Đức, chúng tôi tuân theo nguyên tắc quan trọng là tính liên tục. Điều này có nghĩa là sinh viên và học giả người Ukraine sẽ được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục Đức nhanh nhất có thể và tiếp tục được học tập, nghiên cứu sau khi trở về quê hương. Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên, liên tục dù chúng ta không biết rõ thời điểm cuộc chiến này kết thúc”.
Ông Joybrato cũng bày tỏ giáo dục đại học Đức sẽ học hỏi kinh nghiệm của các trường đại học Ba Lan trong việc duy trì mối quan hệ học thuật với các cơ sở giáo dục Ukraine.
DAAD ước tính, ít nhất 100.000 sinh viên, học giả Ukraine sẽ đến Đức trong tương lai gần. Nhiều người trong số này hiện đang ở Ba Lan. Dự đoán này dựa trên đánh giá của Ủy ban châu Âu về số lượng người tị nạn Ukraine di tản đến các quốc gia châu Âu.
Để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên, học giả người Ukraine, DAAD đã và đang chuẩn bị trang web cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý, tuyển sinh giáo dục đại học hay liên kết giáo dục đại học. Đặc biệt, DAAD khuyến khích sinh viên Ukraine đăng ký các chương trình liên kết học tập bởi những người này có quyền tự do đi lại tại Liên minh châu Âu. Đức đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu khác chuẩn bị tốt nhất cho các chương trình liên kết học tập sắp tới.
Không chỉ DAAD, Bộ Giáo dục Đức cũng đang làm việc với chính phủ, các bên liên quan để sắp xếp cho học sinh Ukraine theo học tại các trường phổ thông Đức trong thời gian di tản.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/3 đã đồng ý miễn thị thực cho người tị nạn Ukraine, cho phép họ ở lại EU trong một năm mà không cần thị thực. Thị thực có thể được gia hạn trong tình huống bất thường. Trong thời gian này, người Ukraine có quyền tiếp cận với giáo dục và việc làm.