Đức Thọ, Hà Tĩnh: Bằng mọi giá không để học sinh bỏ học

Đức Thọ, Hà Tĩnh: Bằng mọi giá không để học sinh bỏ học

 (GD&TĐ) - Cho đến hôm nay, đã bước sang tuần học thứ 2 sau ngày khai giảng, nhưng 162 em học sinh trường THCS Đức Lâm (Đức Thọ, Hà Tĩnh ) vẫn kiên quyết chưa đến trường mới (THCS Lê Văn Thiêm, Đức Trung) nhằm phản đối việc sáp nhập trường 

Sau khai giảng một tuần, chúng tôi trở về Đức Lâm. Cổng trường THCS Đức Lâm hai lần khóa, các phòng học đóng cửa. Lá vàng tấp đầy sân và lối cổng. Không một ai ở trong trường. Trước cổng trường rất đông học sinh xe đạp, mang cặp tụ tập. Thay vì đến trường mới (Trường THCS Lê Văn Thiêm ở Đức Trung) thì các em lại tụ tập tại trường cũ, đạp xe lòng vòng, nhìn vào trường rồi ngao ngán tản về. Em Nguyễn Lân Dũng - Học sinh lớp 8B buồn bã nói: "Lớp em có 39 bạn, sáng nào chúng em cũng đến đây, ngó (nhìn) một hồi (lúc) rồi về". Tôi hỏi: "Tại sao em không đến trường mới?". Dũng im lặng không nói. Trong khi các trường bạn, học sinh đến trường học tuần thứ 2 thì những quyển vở mới của các em học sinh nơi đây vẫn còn giấy trắng. Tôi hỏi Dũng: "Không học ở trường, về nhà có học không?". Dũng trả lời: "Có, nhưng chỉ giở sách xem một hồi, chứ không được thầy, cô dạy, không biết học ra sao cả".

Học sinh không đến trường mới, tụ tập tại cổng trường THCS Đức Lâm
Học sinh không đến trường mới, tụ tập tại cổng trường THCS Đức Lâm

    Ngày 11/9 hơn 100 phụ huynh đã kéo vào thành phố Hà Tĩnh đến các cơ quan chức năng để trình bày, kiến nghị và đề đạt nguyện vọng. Nhưng ngày 12/9 học sinh vẫn tiếp tục bỏ học. Theo thông tin chính xác của thầy Nguyễn Trường Cao  ngày 12/9 buổi sáng có 70 em, buổi chiều có 60 em học sinh trường THCS Đức Lâm đến học. Như vậy vẫn còn 162 học sinh chưa đến trường.

  Chủ trương sáp nhập các trường học trên địa bàn toàn tỉnh là chủ trương đúng đắn. Trong năm qua, nhiều địa phương trong toàn tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang nhưng việc sáp nhập các trường học vẫn tạo dược sự đồng thuận của nhân dân. Có những địa bàn vùng núi, vùng sâu , vùng xa như  trường tiểu học La Khê sát với Tuyên Hóa Quảng Binh sáp nhập với trường tiểu học Hương Trạch, điểm xa nhất học sinh đến trường khoảng 7km nhưng việc sáp nhập vẫn thuận buồm, xuôi gió. Ông Lê Chí Thành- Trưởng phòng GD&ĐT Đức Thọ cho biết: "Đầu năm học 2012-2013, tại Đức Thọ có 8 trường học sáp nhập thành 4 trường là trường tiểu học Trường Sơn với Tùng Ảnh về trường Tùng Ảnh; trường Tiểu học Đức Hòa, Đức Lạc với Trường Đậu Quang Lĩnh (Đức  Long) về trường Đậu Quang Lĩnh nhưng tất cả êm thấm, chỉ có trường THCS Đức Lâm sáp nhập về trường THCS Lê Văn Thiêm (Đức Trung) là trục trặc".

    Vì sao phụ huynh, học sinh trường THCS Đức Lâm lại chưa đồng thuận nhập về THCS Lê Văn Thiêm?

    " Vì dân chúng tôi không được biết, không được bàn. Đùng một phát các ông bảo nhập trường. Mà trường THCS Đức Lâm vừa mới được công nhận chuẩn quốc gia, trong đó có công đóng góp không nhỏ của phụ huynh học sinh. Chúng tôi đã đồng hành với nhà trường suốt mấy chục năm qua, tự nguyện chăm lo cho con em, mặc dầu đời sống của dân vẫn còn nhiều khó khăn. Cho nên anh thấy CSVC trường THCS Đức Lâm khang trang như vậy. Thế mà đùng cái, con cháu chúng tôi không được học ở trường đẹp đẽ khang trang ấy . Thật vô lý". Ông Nguyễn Văn Lân (xóm 5) bức xúc. "Đáng lẽ ra, nhập trường phải chuẩn bị mọi điều kiện đầy đủ đã.  Đằng này, nghe nói nhập là nhập, không chuẩn bị chi hết. Đến ngày đưa con đi khai giảng chúng tôi  mới biết phải ra Đức Trung. Quá ngán. Trường Đức Lâm đẹp đẽ khang trang không học lại ra Trường Lê Văn Thiêm, phòng học chưa đủ, phải học hai ca. Mai mốt lại đóng nạp xây trường nữa. Trong lúc trường đẹp Đức Lâm thì khóa cửa, đóng cổng. Vô lý". Bà Nguyễn Thị Ngụ (xóm 6) bức xúc.

Ông Phạm Văn Thuân- Chủ tịch UBND xã Đức Lâm: Chúng tôi kiên trì thuyết phục nhân dân để con em đến trường trong nay mai.
Ông Phạm Văn Thuân- Chủ tịch UBND xã Đức Lâm: Chúng tôi kiên trì thuyết phục nhân dân để con em đến trường trong nay mai.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết chủ trương nhập trường chưa  được triển khai một cách thấu đáo với dân. Ông Phạm Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Đức Lâm cho biết: "Chủ trương thì chúng tôi đã phổ biến đến bí thư chi bộ, xóm trưởng rồi. Có thể xóm trưởng chưa họp xóm. Mặt khác, bộ phận tư vấn cũng không nhạy bén, nên công tác truyên truyền vận động quả là sơ suất. Chúng tôi có lỗi, chúng tôi nhận lỗi với dân. Nhưng quyết định sáp nhập trường vào thời điểm không thuận lợi. Ngày 28/8 chúng tôi nhận được quyết định của UBND huyện Đức Thọ. Những ngày tiếp theo là ngày nghỉ lễ. Học sinh và các thầy cô lại tổ chức kiểm tra chất lượng nữa. Sau lễ, ngày thứ 2 là ngày 3/9 nghỉ bù. Ngày 04/9 chuẩn bị khai giảng, nên chúng tôi không lường hết khó khăn, phức tạp… Hiện tại cấp ủy Đảng chính quyền, đoàn thể địa phương đang tập trung vận động bà con đưa con em đến trường, nhưng vẫn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ…".

Theo thông tin từ nhân dân, tối 11/9  cán bộ phụ nữ, cựu chiến binh đến 7 gia đình ở xóm 5 vận động cho các cháu đến trường, nhưng không mấy kết quả, đoàn đành ra về. 

Tôi hỏi một số học sinh tụ tập ở cổng trường: “Thế từ hôm khai giảng đến nay, các thầy cô giáo cũ có ai trở lại trường, có ai đến nhà các em không”. Các em nhất loạt trả lời: “Không ạ! Thầy cô chuyển hết về trường mới cả rồi!”. Tôi băn khoăn tự hỏi: Chẳng nhẽ các thầy cô không nhớ học sinh? Tại sao các thầy cô không trở về trường, đến tận nhà học sinh để vận động nhỉ. Hay họ sợ điều gì? Hay không có chủ trương, nên không dám?

Trường THCS Đức Lâm có truyền thống và bề dày thành tích. Mạng lưới Internet, máy móc thiết bị của nhà trường tốt. Nhất là trang Wesiter  trường THCS Đức Lâm với nhiều chuyên mục hấp dẫn có lượng người truy cập đáng nể. Tôi đã mở trang mạng này và ngạc nhiên, tất cả thông tin về hoạt động nhà trường đều có, trừ thông tin sáp nhập trường? Thông tin mới nhất là thông báo ngày 27/8/2012 tổng kết tại Hội trường phòng GD&ĐT Đức Thọ. Tại sao việc sáp nhập trường quan trọng như vậy lại không được chuyển tải lên mang? Còn có một thông tin họp phụ huynh được đưa lên mạng vào ngày 14/02/2012. Tuyệt nhiên không có việc sáp nhập trường! “ Chúng tôi chẳng được triệu tập cuộc họp phụ huynh nào để được thông báo, bàn bạc về chuyện sáp nhập trường. Chúng tôi rất quan tâm đến trường từ việc lớn nhỏ. Ví như các cháu vừa sang thi kiểm tra chất lượng hai môn, nhà trường THCS Lê Văn Thiêm đã cho thu 2 tờ giấy thi 20.000 đồng. Khiếp quá!”. Ông Nguyễn Văn Lân bức xúc. Còn ông Thái Văn Hóa phân tích: “ Đáng lẽ ra họ phải họp chúng tôi lại, thông báo bàn bạc, sắm sửa cơ sở vật chất đầy đủ đã, chí ít trường THCS Lê Văn Thiêm không hơn thì cũng bằng trường THCS Đức Lâm, đằng này trường THCS Lê Văn Thiêm đang thiếu phòng học, bắt buộc con chúng tôi học hai ca, trong khi đó, trường THCS Đức Lâm cơ sở vật chất đầy đủ, tuyệt vời lại khóa cổng. Lãng phí vô cùng. Tôi cho rằng họ nóng tay bắt lỗ tai, chứ chưa tính toàn chi kỹ lưỡng chi cả”.

Khi phụ huynh với  lãnh đạo huyện, xã, nhà trường chưa tìm được tiếng nói thống nhất thì  đến nay vẫn còn 162 các cháu  vẫn chưa đến trường là thiệt thòi rất lớn. “Làm gì thì làm, nhưng đến thời điểm hiện nay, con em vẫn bỏ học không đến trường là một lỗi lầm lớn”. Đây là ý nghĩ không chỉ một người.

 Lê Văn Vỵ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ