Đức loay hoay trong mối quan hệ với Trung Quốc

GD&TĐ - Berlin chịu sức ép của Mỹ trong khi bản thân ngành công nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Đức cẩn trọng với cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.
Đức cẩn trọng với cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.

Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận trong chính phủ Đức cho biết, Berlin đang xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn.

Các hạn chế này được cho là thực hiện theo các chính sách gây sức ép lên khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Bắc Kinh mà Mỹ đang kêu gọi các đồng minh cùng thực hiện.

Các hạn chế mà Berlin đưa ra bao gồm hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các hóa chất được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.

Đây là một phần trong gói biện pháp của chính phủ Đức nhằm ngăn chặn khả năng công ty Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chính cần thiết cho sản xuất vi mạch.

Chip bán dẫn là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu và được sử dụng trong nhiều loại hàng hóa từ ô tô, tủ lạnh đến điện thoại thông minh và trí tuệ nhân tạo.

Các công ty có thể sẽ chịu khả năng hạn chế ở Đức bao gồm: gã khổng lồ khoa học và công nghệ Merck, và nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới BASF...

Đức không có ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình; tuy nhiên, Merck và BASF cung cấp cho các nhà sản xuất chip trên khắp thế giới các hóa chất quan trọng để sản xuất.

Bloomberg cho biết các hạn chế xuất khẩu sẽ gây rủi ro cho khả năng phát triển các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và thậm chí là khả năng sản xuất chất bán dẫn.

Theo nguồn tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ và EU về vấn đề này.

Washington đã và đang thúc đẩy phong tỏa toàn cầu việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ then chốt, bao gồm cả sản xuất chất bán dẫn. Đức đang tìm cách duy trì sự cân bằng giữa quan hệ với các đồng minh và Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin trong năm thứ bảy liên tiếp.

Nhưng bản thân Đức cũng được cho là sẽ còn loay hoay trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc bởi ngành công nghiệp nước này cũng đang phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô hạng sang Mercedes-Benz Ola Kaellenius chia sẻ với tờ Bild rằng, Trung Quốc là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất của nhà sản xuất Đức. Bắc Kinh cũng là nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi xanh.

Nếu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc sẽ khiến phần lớn ngành công nghiệp của Đức gặp rủi ro.

Ông Kaellenius nói: “Những người chơi chính trong nền kinh tế toàn cầu – Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc – gắn bó chặt chẽ với nhau đến mức việc tách khỏi Trung Quốc là vô nghĩa. Tách khỏi Trung Quốc là một ảo tưởng và cũng không được mong muốn."

Trung Quốc có thị trường ô tô lớn nhất thế giới và các nhà sản xuất ô tô Đức phụ thuộc rất nhiều vào thị trường này. Các cổ đông chính của Mercedes-Benz là Tập đoàn BAIC Trung Quốc và Chủ tịch Geely Li Shufu. Theo Reuters, vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 18% doanh thu và 37% doanh số bán ô tô của Mercedes-Benz.

Ông Ola Kaellenius cho rằng, nếu như một cuộc căng thẳng địa chính trị xảy ra buộc châu Âu phải có phản ứng mãnh liệt như buộc dừng ngành sản xuất ô-tô tại Trung Quốc thì "đó là điều không thể tưởng tượng được đối với gần như toàn bộ ngành công nghiệp Đức".

Châu Âu phụ thuộc vào 98% nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc, được sử dụng trong sản xuất năng lượng gió, lưu trữ hydro và pin. Khối các nước châu Âu cũng nhận được 97% lượng lithium cho pin từ nước này. Trung Quốc có vị trí thống lĩnh trong việc xử lý đất hiếm, với khoảng 60% lượng lithium của thế giới được tinh chế ở quốc gia Đông Á này. EU cũng nhận được 80% tấm pin mặt trời từ Trung Quốc.

Ngay cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng trước cho biết khối này không thể tách khỏi Trung Quốc, nhưng khối này cần giảm thiểu rủi ro và “ tái cân bằng” các mối quan hệ kinh tế của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học sinh nghèo ở Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Không để học sinh nào mất Tết

GD&TĐ - Chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên nhiều trường học vùng khó ở Thanh Hóa lại ngược xuôi lo Tết cho học trò.

Đường lên bản Kim mây mù giăng kín. Ảnh: Hồng Nhung.

Vùng biên mùa hoa nở

GD&TĐ - Những chiếc lá cuối Đông lác đác nằm nghiêng mình dưới gốc bàng.

Chelsea thắng lớn ở FA Cup

Chelsea thắng lớn ở FA Cup

GD&TĐ - Chelsea thể hiện sức mạnh vượt trội khi vùi dập đội bóng hạng dưới Morecambe với tỷ số 5-0 để tiến vào vòng 4 FA Cup.