Đức: Hạ tầng trường đại học ít được quan tâm

GD&TĐ - Các trường đại học tại Đức đang nỗ lực hết sức trong việc nâng tầm giáo dục, sánh ngang với các cường quốc thế giới. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa tương xứng vào cơ sở vật chất tại các trường được cho là yếu tố đang cản trở mục tiêu này.

Các vết nứt và ẩm mốc trên tường của tòa nhà thuộc Trường ĐH Bonn
Các vết nứt và ẩm mốc trên tường của tòa nhà thuộc Trường ĐH Bonn

Nhà trường không có quyền cải tạo

Sau kỳ nghỉ hè khá dài, nhiều SV tại các trường ĐH ở Đức đã quay lại lớp học với tinh thần học tập cao. Tuy nhiên, tại Trường ĐH Bonn cũng như nhiều tổ chức GD khác của nước này, nhiều người học đã bày tỏ sự không hài lòng trước chất lượng của các tòa nhà nơi họ học.

“Bất cứ phòng học nào mà tôi biết trong trường cũng đều lỗi thời và không thực tế. Chúng thực sự không đủ chất lượng”, Lisa Stroetmann, SV đang theo học khóa Thạc sĩ Khoa học Chính trị ở Trường ĐH Bonn chia sẻ.

Một SV khác cũng đồng tình với ý kiến này và cho biết: “Các phòng thực sự không được trang bị đúng cách. Thường thì các phòng hội thảo không đủ lớn so với số lượng SV trong trường bởi nhà trường cho rằng, sau tuần đầu tiên mọi người sẽ ngừng đến đây”.

Trường ĐH Bonn được xây dựng vào năm 1818 và được cải tạo lại vào những năm 1950. Theo phát ngôn viên của nhà trường, ông Andreas Archut, Trường ĐH Bonn đang rất cần được cải tạo khi nhiều vết nứt chạy dọc trên các bức tường, nấm mốc và rêu mọc ở các góc.

“Gần đây, chúng tôi đã phát hiện ra có amiăng trong tòa nhà chính. Do vậy, nhà trường đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt trong việc xây dựng. Bạn thậm chí sẽ không được phép đóng đinh vào tường mà không có các thủ tục phòng ngừa đặc biệt”, ông Archut khẳng định.

Amiăng, cùng với chì và PVC là những vật liệu xây dựng từng được sử dụng phổ biến nhưng hiện được coi là độc hại. PVC và chì cũng được tìm thấy có trong các tòa nhà khác của Trường ĐH Bonn. Mặc dù, mặt tiền và tầng hầm để xe của tòa nhà trong trường đang được tiến hành sửa chữa sau khi có dấu vết của graffiti, nhưng chưa có kế hoạch nào cho công việc cải tạo tương tự ở các địa điểm khác tại Trường ĐH Bonn.

Có tới khoảng 200 tòa nhà, nhiều khu vực được xây dựng từ những năm 1960 – 1970, Trường ĐH Bonn thậm chí không sử dụng nhiều khu vực do có PVC trên tường. Tuy nhiên, việc cải tạo hoặc phá hủy các tòa nhà này là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường. Các tòa nhà trong trường đều thuộc sở hữu của BLB - một công ty tư nhân cho thuê các tòa nhà. Điều này cũng có nghĩa là, nhà trường sẽ không thể thực hiện các dự án cải tạo.

Theo tờ báo Die Zeit, Trường ĐH Bonn sẽ cần khoảng hơn 1,1 tỷ USD để hiện đại hóa các tòa nhà. “Gần đây, một số tiền đã được chuyển cho trường để phục vụ nhu cầu của khu nhà ở của SV và các tòa nhà mới, nhưng các tòa nhà cũ thì không hề nhận được khoản hỗ trợ nào”, Luca Cristodero, một SV y khoa năm thứ tư nói.

Hỗ trợ mang tên “Sáng kiến xuất sắc”

Miễn là các tòa nhà có thể bảo đảm an toàn, các trường ĐH Đức sẽ không tính tới việc sửa chữa. Không giống như ở Mỹ hoặc Anh, nơi một cái tên như Oxford hoặc Harvard có thể tạo ra sự khác biệt cho đơn xin việc của người học, SV Đức thường chọn các trường ĐH cung cấp khóa học mà họ muốn học, hoặc đơn giản là gần nhà hay mang lại lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 2006, khi một chương trình được liên bang tài trợ mang tên “Sáng kiến xuất sắc”, hỗ trợ các trường ĐH Đức có được bước tiến lớn trong các chương trình nghiên cứu hoặc nỗ lực quảng bá quốc tế.

Sau sự đổi mới của quỹ vào năm 2018, 11 trường ĐH tại Đức đã nhận được khoản tài trợ từ 10 - 15 triệu euro để chi tiêu trong vòng 7 năm tiếp theo. Tuy nhiên, số tiền này sẽ chỉ được đầu tư vào nghiên cứu thay vì cơ sở hạ tầng.

“Thật tuyệt vời khi chúng tôi được tài trợ cho các dự án nghiên cứu mới. Nhưng chúng tôi không hề muốn nhân viên mới sẽ rời đi ngay khi họ nhìn thấy tình trạng cơ sở vật chất của trường. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng”, ông Archut nhận định.

Một nghiên cứu của Zurich (Thụy Sĩ) được thực hiện vào năm 2016 đã cho thấy tác động tích cực của “Sáng kiến xuất sắc” đối với các trường ĐH Đức. Sáng kiến này đã giúp các tổ chức GDĐH Đức leo lên nhiều bảng xếp hạng quốc tế.

Trường ĐH Bonn cũng không phải là ngoại lệ khi có thể trở nên quốc tế hóa hơn. Điều này cũng có nghĩa là nhà trường sẽ có thêm nguồn tài trợ từ học phí quốc tế. Bởi những SV là công dân Đức và thuộc khối EU không phải đóng học phí hoặc chỉ phải đóng một mức rất thấp.

Tuy nhiên, tại Trường ĐH Bonn, đại đa số người học đều đến từ Đức. Đối với những SV này, vấn đề cơ sở hạ tầng có thể còn đóng vai trò quan trọng hơn là vị thế quốc tế của ngôi trường mà họ đang theo học.

Chia sẻ với truyền thông, ông Archut giải thích rằng, trước đó, một số trường ĐH tại Đức như Aachen và Bochum đã trích một khoản tiền từ chương trình “Sáng kiến xuất sắc” trước đó để có thể cải tạo lại các tòa nhà. Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH Bonn cũng khẳng định, nhà trường hiện không có bất cứ kế hoạch nào như vậy.

Hiện tại, các tân SV cũng như nhiều nhà nghiên cứu sau ĐH được liên bang tài trợ sẽ phải tiếp tục làm việc và học tập tại các tòa nhà cũ cần được nâng cấp trong trường, hoặc tại các tòa nhà riêng biệt mà trường ĐH đang thuê.

Theo thống kê, số lượng SV ứng tuyển vào Trường ĐH Bonn trong năm nay đã đạt đến ngưỡng cao nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, nhờ hỗ trợ từ “Sáng kiến xuất sắc”, tổ chức GD này cũng thu hút được hơn 1.000 nhà nghiên cứu mới. Do vậy, nhiều chuyên gia nhận định, giống như nhiều cơ sở GD khác tại Đức, Trường ĐH Bonn nên nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp.
Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thức ăn cho thú cưng giảm giá thường đã quá hạn sử dụng. (Ảnh: ITN)

10 thứ không nên mua vì... ham rẻ

GD&TĐ - Ngay cả khi bạn rất eo hẹp về tiền bạc, vẫn có một số mặt hàng giá rẻ mà bạn không bao giờ nên cho vào giỏ hàng của mình.