Đưa trò chơi dân gian vào môn Giáo dục thể chất: Thầy phải nhiều 'vốn'

GD&TĐ - Hà Nội dự kiến đưa trò chơi dân gian vào hoạt động Giáo dục thể chất cho học sinh đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội.

Học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) tham gia trò chơi bịt mắt bắt vịt do nhà trường tổ chức.
Học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) tham gia trò chơi bịt mắt bắt vịt do nhà trường tổ chức.

Giúp học sinh giải trí lành mạnh

Là giáo viên dạy Giáo dục thể chất (thể dục) tại Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), thầy Văn Công Thư cho rằng, ý tưởng này của TP Hà Nội là hoàn toàn khả thi và mang nhiều ý nghĩa. Dù là trò chơi dân gian nhưng bản chất, đó đều là các hoạt động mang tính tư duy và đòi hỏi sự vận động nên học sinh sẽ rất thích thú. Ví dụ như trò chơi Ô ăn quan, Kéo co, Nhảy dây…

Theo thầy Thư, việc đưa trò chơi vào trong môn Thể dục sẽ giúp các em có sân chơi để giải tỏa căng thẳng sau những tiết học mệt mỏi, tạo hứng thú, tinh thần thoải mái ở những tiết học tiếp theo. Nhiều năm nay, nhà trường cũng tổ chức một số trò chơi dân gian trong các hoạt động đón Tết hay hội trại để tạo không khí phấn khởi cho học sinh. Phụ huynh cũng đồng hành và ủng hộ cách làm này của nhà trường.

Anh Vũ Văn Tình có con đang học lớp 7 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ với chính sách này của thành phố. Phụ huynh này cho biết, trong hai năm dịch bệnh vừa qua, trẻ đã phải học online nên bị ảnh hưởng bởi mặt trái của mạng xã hội khá nhiều, có em còn bị cận thị hay trầm cảm. Vì thế, khi được đến trường học trực tiếp, cách giải tỏa căng thẳng cho các em chính là đưa trò chơi dân gian lành mạnh vào giờ học…

Cần tính toán hợp lý

Với vai trò quản lý tại Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường đồng tình với chủ trương này của thành phố. Thầy Cường cho biết, trước đây một số trường vẫn tổ chức thể dục giữa giờ cho học sinh bằng hình thức nhảy dân vũ và mang nhiều hiệu ứng tích cực.

Bên cạnh đó, thầy Cường nhấn mạnh, Chương trình GDPT mới cũng là cơ hội để các nhà trường đưa trò chơi dân gian vào một số nội dung chương trình học nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy nên, chúng ta cần nghiên cứu thật kỹ môn Giáo dục thể chất của Chương trình GDPT 2018 để đưa những nội dung phù hợp, trò chơi nào tương ứng với từng học sinh.

Các trò chơi này phải phù hợp với đặc thù về lứa tuổi học sinh, điều kiện cơ sở vật chất của mỗi trường. Điều này cũng phụ thuộc vào lựa chọn của học sinh và khả năng giảng dạy, hướng dẫn của thầy cô. Các chuyên gia giáo dục cũng phải tính toán để có những khuyến nghị, cách thức tuyên truyền về trò chơi dân gian đó. Vấn đề quan trọng, không chỉ là chơi một trò nào đó cho khỏe mà thông qua đó, các em hiểu về trò chơi đó để gìn giữ và thôi thúc tình yêu dân tộc.

Ảnh minh họa/ INT.

Ảnh minh họa/ INT.

Cô Nguyễn Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) nhấn mạnh, việc đưa trò chơi dân gian vào môn Giáo dục thể chất là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Dù là ý tưởng nhưng phải đưa vào thực hiện mới biết để có đánh giá chính xác nhất. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để các trường lấy đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.

Nếu triển khai sẽ vừa có mặt thuận lợi nhưng lại vướng một số khó khăn. Thuận lợi là đã có chủ trương và sự chỉ đạo. Hơn nữa, trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên, việc tổ chức trò chơi dân gian là việc làm của mỗi nhà trường. Nay đưa trò chơi dân gian vào giờ Thể dục đòi hỏi giáo viên phải nắm vững các trò chơi, hướng dẫn để học sinh biết cách chơi.

“Hơn nữa, để các em chơi một cách tự nhiên nhất, không mang tính ép buộc thì người dạy phải tìm ra cách tổ chức chơi hấp dẫn. Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô dạy Thể dục phải tâm huyết, sáng tạo. Mặt khác, việc tổ chức các trò chơi dân gian cần mang tính tập thể (nhảy dây, kéo co...). Vậy sân bãi, không gian các nhà trường có đảm bảo an toàn để trẻ chơi các trò này không?

Một khó khăn nữa theo cô Dung là ở học sinh. Thời đại công nghệ, nhiều em đam mê trò chơi liên quan đến công nghệ. Việc “kéo” học sinh đến với trò chơi dân gian cần sự vào cuộc của tất cả giáo viên nhà trường cũng như sự đồng hành của cha mẹ học sinh. Do đó, khi thực hiện, các trường phải có sự tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thực tế” - cô Dung đặt vấn đề.

Góc nhìn của chuyên gia văn hóa

PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhất trí với chủ trương của TP Hà Nội khi dự kiến đưa một số trò chơi dân gian vào hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường. Ông cho rằng, trò chơi dân gian còn có thể lồng ghép vào nhiều hoạt động khác như Kỹ năng sống, Giáo dục địa phương, Lịch sử. Ví dụ, trò chơi mô phỏng hình tượng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh dùng cờ lau để tập trận – người sau này đã có công dẹp loạn 12 sứ quân để lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng.

Đưa trò chơi dân gian vào hoạt động giáo dục thể chất giúp nâng cao thể chất cho học sinh, thể chất cũng là một khía cạnh của văn hóa. Việc này tạo điều kiện để phát triển tinh thần và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc. Thông qua các trò chơi, trẻ được mở mang trí tuệ, như chơi Ô ăn quan thì phải tính toán thế nào cho hợp lý.

PGS.TS Lê Quý Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước nay học sinh phổ thông phải học quá nhiều kiến thức. Sau 12 năm học phổ thông, tiếp theo là 4 năm học đại học nhưng chưa chắc mỗi em ra trường đều sử dụng hết tất cả những kiến thức cả phổ thông lẫn chuyên ngành.

Vì vậy, ngành Giáo dục của Thủ đô cần phải tính toán cho thấu đáo xem nên đưa trò chơi nào vào môn Giáo dục thể chất hay các hoạt động giáo dục khác. Thời lượng là bao nhiêu, có đủ nhân lực và vật lực để giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh hay không? Nói như vậy cũng phải hiểu rằng, việc này phải được văn bản hóa và mang tính bắt buộc tới các nhà trường. Làm sao để thông qua những trò chơi đó, học sinh tìm được niềm vui mang tính sáng tạo.

“Muốn làm tốt và không hình thức, tôi nghĩ chắc chắn cơ quan quản lý mà trực tiếp là Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phải tính toán, cân nhắc thật kỹ để đưa ra một lộ trình thực hiện rõ ràng. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này trên bình diện tổng thể chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi phát triển thể chất học sinh. Trường chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể lồng ghép một số trò chơi dân gian như Kéo co, Đập niêu đất, Bịt mắt bắt vịt, Bịt mắt đánh trống, Ô ăn quan... Học sinh vô cùng hào hứng khi tham gia bởi các em được vui chơi, thể hiện khả năng của mình cũng như hiểu thêm về văn hóa dân tộc”, thầy Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.