Sáng kiến xuất phát từ thực tế học sinh Việt Nam tham gia các cuộc thi mang tầm vóc quốc tế và khu vực như ASMO, SEAMO chưa đạt kết quả cao. Một trong những nguyên nhân chính là các em gặp khó khăn do trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp thu môn học bằng tiếng Anh còn yếu.
Xóa rào cản
Tiếng Anh cũng là rào cản khi giáo viên tiếp cận với các nguồn tài liệu của nước ngoài, lấy các thuật ngữ chuyên ngành chuẩn nhưng vẫn phải bảo đảm mức độ kiến thức chuyên môn theo chương trình của Việt Nam. Theo cô Nguyễn Thu Hiền, để chuẩn bị một giáo án tốt mất nhiều thời gian và vẫn mang tính chắp vá.
Với nguồn tài liệu khổng lồ trên mạng, việc chọn lựa những nguồn có chất lượng, hiệu quả là không dễ dàng đối với giáo viên, đặc biệt là khi trình độ ngoại ngữ chưa tốt. Dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đòi hỏi thời gian và công sức gấp nhiều lần so với một giờ dạy bằng tiếng Việt. Vì vậy, không còn cách nào khác là giáo viên phải trang bị năng lực tiếng Anh nhất định để có thể khai thác và tổ chức dạy học tốt môn học của mình.
Bắt tay vào triển khai đưa tiếng Anh vào dạy môn Sinh học, cô Hiền gặp không ít khó khăn, do phân phối chương trình các tiết học rất sát. Việc thêm một tiết học để giảng dạy bằng tiếng Anh không hề đơn giản.
Tương tự, việc kiểm tra, đánh giá cũng là khó khăn lớn mà các thầy cô giáo gặp phải khi giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. “Kiểm tra đánh giá dưới hình thức nào?”, “Tìm kiếm hệ thống câu hỏi – bài tập ở đâu”… là những câu hỏi thường gặp đối với giáo viên giảng dạy, giáo viên dạy và dạy ôn thi học sinh giỏi các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
Theo cô Hiền, mỗi giáo viên có phương pháp giảng dạy riêng nhưng đều phải bảo đảm một số nguyên tắc nhất định trong việc soạn thảo và trình bày bài giảng. Với mục tiêu đưa việc giảng dạy bằng tiếng Anh vào môn Sinh học để học sinh vừa phát triển ngoại ngữ lại vừa bảo đảm chương trình môn học theo chuẩn, giáo viên sẽ phải bám sát chương trình để soạn bài giảng. Đối với mỗi bài dạy cụ thể, giáo viên bằng nghệ thuật sư phạm của mình, dựa trên trình độ tiếng Anh của học sinh sẽ thiết kết hoạt động giúp trò chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động và thuận lợi nhất.
Chủ động đổi thay
Những biện pháp nâng cao hiệu quả quy trình dạy học và kiểm tra đánh giá môn Sinh học bằng tiếng Anh bậc THPT và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm tối ưu hóa hơn và nâng cao hiệu quả việc dạy học đã được cô Hiền hoàn thành. Đó là quy trình dạy học Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh nói chung và môn Sinh học bằng tiếng Anh nói riêng một cách chi tiết với đầy đủ các bước. Cụ thể, tìm kiếm và xử lý tài liệu liên quan đến bài giảng; Xây dựng nội dung bài giảng; Thiết kế các hoạt động dạy và học; Triển khai trên lớp; Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá.
Cùng với đó là việc cung cấp các nguồn học liệu uy tín giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tham khảo và sử dụng. Giới thiệu các công cụ online phục vụ việc tìm kiếm và xử lý tài liệu, thiết kế các hoạt động giảng dạy để xây dựng được hệ thống lớp học tương tác.
Nhận xét về sáng kiến của giáo viên, cô Trần Thị Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định), cho biết: Với sự năng động và tình yêu lớn với nghề, cô Nguyễn Thu Hiền đã tìm hiểu và nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Việc giáo viên chủ động tìm kiếm, khai thác triệt để các website giáo dục nước ngoài, e-book, công cụ online sẽ giải quyết được phần lớn vướng mắc trong quá trình dạy học, nâng cao chất lượng giờ dạy.
Công nghệ thông tin chính là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đổi mới quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục. Những giải pháp đưa ra cũng được tác giả chia sẻ với giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong hội đồng giáo dục Trường THPT Trần Hưng Đạo cũng như một số trường khác trong tỉnh và nhận được đánh giá tích cực.
Nguyễn Phương Minh, HS lớp 11 A3 Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Em và các bạn không còn cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với tiếng Anh chuyên ngành. Cả lớp đều cảm thấy hào hứng, say mê, tích cực tham gia vào các hoạt động chiếm lĩnh kiến thức trên lớp dưới sự hướng dẫn của cô giáo.
Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đổi mới kiểm tra đánh giá đã góp phần xây dựng lớp học tương tác, biến lớp học thành sân chơi hào hứng mà ở đó chúng em chủ động chiếm lĩnh kiến thức thấy vô cùng thích thú. Chúng em không chỉ có thêm kĩ năng giao tiếp, mà còn khai thác được các tài liệu môn học bằng tiếng Anh ở cùng trình độ, giúp phát huy năng lực hợp tác, tự học, sáng tạo và tự tin ở các buổi thuyết trình trước lớp.