Về giải pháp thực hiện, có ý kiến cho rằng nên thiết kế sách giáo khoa song ngữ cho cả học sinh và giáo viên.
Cần thiết, nhưng chỉ ở giai đoạn đầu
Ủng hộ việc có sách giáo khoa song ngữ trong dạy học tiếng Anh, PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, sách song ngữ giúp học sinh làm quen với thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh từ sớm. Được tiếp xúc song song tiếng Việt và tiếng Anh giúp người học tăng khả năng đọc hiểu, tư duy bằng ngoại ngữ.
Sách giáo khoa song ngữ cũng hỗ trợ học sinh Việt kiều, học sinh nước ngoài tại Việt Nam học tập trong môi trường linh hoạt ngôn ngữ hơn. Bên cạnh đó, nhiều trường học tại Việt Nam đang dạy các chương trình tích hợp (song ngữ, quốc tế), nhưng tài liệu học tập còn thiếu hoặc phụ thuộc vào sách nước ngoài. Làm sách giáo khoa song ngữ giúp chuẩn hóa, tiết kiệm và phù hợp hơn với văn hóa Việt.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh, thách thức khi làm sách giáo khoa song ngữ chủ yếu ở chi phí và nguồn lực. Do vậy, nên tiếp cận từng bước và áp dụng dần dần. Chẳng hạn làm sách song ngữ cho các môn Toán, Khoa học, Tin học (những môn có nội dung dễ tiếp cận bằng tiếng Anh) trước; áp dụng trước ở nơi có đủ điều kiện, những nơi chưa đủ thì sẽ phấn đấu.
Nhận định sách song ngữ cần thiết, ông Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) lý giải: Học sinh cần giai đoạn “cầu nối” ban đầu. Nếu ngay từ đầu chỉ toàn tiếng Anh, học sinh sẽ bị sốc và quá tải hiểu biết, dẫn tới mất động lực học. Giáo viên cũng cần thích nghi.
Thực tế, đội ngũ giáo viên Việt Nam hiện nay trình độ tiếng Anh không đồng đều. Nếu thiếu phần tiếng Việt hỗ trợ ban đầu, việc giảng dạy đại trà sẽ gặp khó khăn lớn. Bên cạnh đó, những nơi như vùng sâu xa, việc tiếp cận tài liệu 100% tiếng Anh trong giai đoạn đầu dễ khiến học sinh và giáo viên bị “hụt hơi”, dẫn tới bất bình đẳng.
“Tuy nhiên, sách song ngữ chỉ nên áp dụng thời gian khoảng 10 năm đầu”. Hai lý do được ông Ngô Thanh Xuân đưa ra là “hệ sinh thái đã trưởng thành”, “thúc đẩy chuẩn hóa ngôn ngữ học thuật bằng tiếng Anh” và “tâm lý xã hội chấp nhận dần”. Cụ thể, nếu có sách song ngữ suốt 10 năm, học sinh từ tiểu học đến THCS đã làm chủ đủ vốn tiếng Anh để học thuần thục.
Cần có điểm “gãy”, chuyển sang tiếng Anh hoàn toàn để tạo áp lực tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Sau 10 năm, xã hội có thời gian làm quen với việc tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính. Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, ngoài sách giáo khoa song ngữ, cần hỗ trợ thêm sách giáo viên, bài tập, tư liệu số, học liệu tương tác và bồi dưỡng chuyên môn liên tục cho đội ngũ.

Đảm bảo nguyên tắc “học ngôn ngữ qua nội dung”
Bà Trần Thị Quỳnh Lê - Quản lý chương trình Song ngữ và hợp tác quốc tế, Phenikaa School dẫn chứng một số quốc gia biên soạn sách giáo khoa song ngữ. Theo đó, Singapore trong những năm 1970 - 1980, sách giáo khoa các môn học có giải thích song ngữ Anh - Hoa hoặc Anh - Mã Lai để học sinh dễ tiếp cận.
Giai đoạn thực hiện chính sách dạy - học khoa học và toán học bằng tiếng Anh (PPSMI) từ năm 2003, Bộ Giáo dục Malaysia cho phép phát hành sách giáo khoa Toán và Khoa học có phần song ngữ Anh - Mã Lai để hỗ trợ học sinh dần làm quen với dạy học bằng tiếng Anh. Tương tự, từ năm 2009, Philippines ban hành sắc lệnh mới Giáo dục đa ngôn ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (MTB-MLE); trong đó sử dụng tài liệu học tập song ngữ tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh trong các lớp học tiểu học.
“Có thể thấy, ở các nước đã thành công như Singapore, sách giáo khoa song ngữ được coi là chiến lược hỗ trợ chuyển tiếp quan trọng, nhất là ở giai đoạn triển khai ban đầu”, bà Trần Thị Quỳnh Lê cho hay.
Góp ý cho sách giáo khoa song ngữ, bà Trần Thị Quỳnh Lê cho rằng, cần lấy năng lực học sinh làm trung tâm và đảm bảo nguyên tắc “học ngôn ngữ qua nội dung” (Content and Language Integrated Learning - CLIL). Sách giáo khoa cần thiết kế theo hướng “giáo dục năng lực toàn diện bằng ngoại ngữ”, không chỉ đơn giản là “dịch sang tiếng Anh”. Cụ thể:
Không đơn thuần dịch thuật: Không thiết kế sách giáo khoa như bản dịch y nguyên giữa hai ngôn ngữ; cần tối ưu hóa ngôn ngữ để hỗ trợ phát triển tư duy ngôn ngữ thứ hai.
Tích hợp mục tiêu ngôn ngữ và nội dung: Ví dụ, nếu dạy môn Toán bằng sách giáo khoa song ngữ thì ngoài việc truyền đạt kiến thức toán, phải có mục tiêu rõ ràng về từ vựng và cấu trúc tiếng Anh học thuật của lĩnh vực đó.
Tăng dần mức độ tiếng Anh: Giai đoạn 1, tỷ lệ chú thích tiếng Việt cao và giảm dần đến giai đoạn 3 chỉ dùng tiếng Anh và chỉ dùng tiếng Việt khi giải thích các nội dung phức tạp. Các giai đoạn này không nên kéo dài quá vài năm.
Thiết kế nhiều dạng hoạt động giao tiếp: Để học sinh không chỉ đọc hiểu sách giáo khoa, mà còn dùng tiếng Anh trong giao tiếp thực tế về nội dung học.
Tính phân hóa: Sách giáo khoa cần có tài liệu hỗ trợ học sinh yếu và thách thức cho học sinh khá giỏi.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, bà Trần Thị Quỳnh Lê nhận thấy cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng sách giáo khoa song ngữ. Sách giáo khoa song ngữ có một vài ưu điểm trong ngắn hạn là giảm áp lực cho học sinh yếu tiếng Anh, gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ; hỗ trợ giáo viên chưa đủ tự tin dạy 100% tiếng Anh (đặc biệt vùng nông thôn, miền núi); giúp học sinh vừa nắm kiến thức vừa học từ vựng tiếng Anh (nhất là các môn Khoa học tự nhiên).
Mặt khác, về dài hạn sách giáo khoa song ngữ có thể cản trở quá trình thẩm thấu tự nhiên ngôn ngữ thứ hai và ức chế phản xạ tiếng Anh. Việc đọc song song hai ngôn ngữ khiến học sinh và giáo viên dễ lệ thuộc vào tiếng Việt để hiểu nội dung, thay vì vận dụng tư duy trực tiếp bằng tiếng Anh. Học sinh sẽ hình thành thói quen dịch trong đầu, thay vì “nghĩ bằng tiếng Anh”
Với hai hệ thống ngôn ngữ cùng tồn tại, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn - lúc nào dạy bằng tiếng Anh, lúc nào giải thích bằng tiếng Việt. Học sinh có thể bị lẫn lộn giữa hai hệ thống ngữ pháp, từ vựng, cách diễn đạt. Chi phí đầu tư, duy trì sách giáo khoa song ngữ cao nhưng hiệu quả thấp vì để xây dựng bộ sách giáo khoa song ngữ, cần có đội ngũ dịch thuật chất lượng cao (vừa chuẩn học thuật, vừa phù hợp văn hóa) và cần thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa, đối chiếu hai ngôn ngữ, đào tạo lại giáo viên.
Bài học dự án PPSMI của Malaysia cho thấy việc đầu tư lớn cho sách giáo khoa tiếng Anh - Mã Lai nhưng kết quả không thành công và phải dừng năm 2012. Hai trong số các nguyên nhân chính của thất bại này là không thay đổi được môi trường thực hành tiếng Anh và không cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy.
Từ đó, bà Trần Thị Quỳnh Lê đề xuất: Thay vì sử dụng sách song ngữ hoàn toàn, có thể dùng giáo trình tiếng Anh (có thể điều chỉnh cho phù hợp bối cảnh) kèm chú thích/chú giải song ngữ với hệ thống hỗ trợ từ vựng - hình ảnh - ngữ cảnh rõ ràng nhằm hỗ trợ học sinh, giáo viên trong giai đoạn đầu chuyển đổi chính sách, giúp thầy trò làm quen dần việc dạy và học bằng tiếng Anh.
Sách giáo khoa chỉ là phần nhỏ trong chính sách đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Để chính sách này khả thi cần có giải pháp đồng bộ (đào tạo giáo viên, đánh giá năng lực, xây dựng môi trường thực hành tiếng Anh...) và hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện (từ bộ công cụ đào tạo, tài liệu số, bài tập, kiểm tra đánh giá...) để có thể áp dụng thành công chính sách đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. - Bà Trần Thị Quỳnh Lê