Đưa thông điệp về môi trường đến với học sinh

GD&TĐ - Nhằm mục đích giúp các em học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hiểu rõ thêm về giá trị của sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, Viện Goethe Việt Nam vừa phối hợp với một số trường THPT trên địa bàn TPHCM tổ chức Ngày Môi trường với sự tham gia của đông đảo HS.

Đưa thông điệp về môi trường đến với học sinh

Thích thú với các trạm dừng chân

Có mặt từ rất sớm tại ngày hội được tổ chức tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) em Trí Thiện - Học sinh lớp 10 của trường chia sẻ:

Khi có thông báo về ngày hội, em liền đăng kí tham dự. Em mong muốn mình sẽ có thêm nhiều kiến thức liên quan. Em nghĩ rằng bảo vệ môi trường xung quanh chính là bảo vệ bản thân mình. Nhìn thấy các trạm dừng chân mà các thầy cô của Viện Goethe giới thiệu em cảm thấy rất thích thú.

Để giúp các em có thêm nhiều thông tin, tài liệu cho HS bậc trung học có nội dung Việt Nam đối mặt với các thách thức Xanh do Viện Goethe phối hợp xuất bản cũng được phát tận tay để các em tham khảo và làm các bài test nhỏ.

Theo đó, HS tham gia Ngày môi trường được trải qua 4 trạm: Tạo ý tưởng về những chiếc túi; thực nghiệm Biogas; vườn treo và trạm đo lường không khí.

Ở trạm thứ nhất, các em sẽ được chia sẻ về việc sử dụng những chiếc túi vải thay vì sử dụng túi ni lông đựng đồ, hộp nhựa dùng một lần.

Trước khi nói về việc sử dụng túi vải và thiết kế những ý tưởng, logo để kêu gọi bảo vệ môi trường, HS được làm bài test nhanh: Một tuần bạn sử dụng bao nhiêu túi ni lông, hộp nhựa, chai lọ đựng đồ uống, đồ ăn nhanh.

Tiếp sau đó là những kiến thức như: Mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 300 triệu tấn túi ni lông và vứt đi khoảng 1/3 sau khi dùng nó không lâu. Một phần túi ni lông được xử lý, ở một số nước đốt hoặc chôn chúng. Hơn 8 triệu túi ni lông được vứt xuống biển…

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống ở biển. Nếu một hộp carton được thải ra biển phải mất 2 tháng để tiêu hủy, túi nhựa từ 1 - 20 năm, vỏ đồ hộp là 50 năm, vòng đựng lon bia là 400 năm, can nhựa là 450 năm…

Vậy các em hãy nghĩ gì về việc, mỗi ngày có em dùng vài chiếc túi ni lông nào đựng đồ ăn sáng, đựng ly nước ngọt, đựng đồ ăn trưa, đựng bánh mì ăn chiều…? Một em vừa làm xong bài test rồi thốt lên “ôi mình thật tội lỗi với môi trường vì một ngày dùng 4 cái túi ni lông”.

Tham gia thiết kế túi, nhiều em đã thể hiện được sự sáng tạo của mình với nhiều ý tưởng hay, nhận được rất nhiều lời khen của các thành viên đến từ Viện Goethe.

Ở trạm thứ hai, HS được ăn nhẹ, và những đồ ăn thừa, những chiếc vỏ bánh, vỏ trái cây sẽ được làm một thí nghiệm nhỏ về lượng khí thải ra. Từ đó các em ý thức được việc đồ ăn thừa, phân loại rác và tác dụng của việc sử dụng khí biogas.

Ở trạm vườn treo, các em được hướng dẫn sử dụng những chai nhựa tái chế để trồng cây xanh. Các em được cung cấp, giới thiệu những hạt giống, những giống cây dễ trồng, dễ sống... chỉ cần một khoảng đất nhỏ cây có thể mọc lên xanh tươi.

Vậy ở nhà, ngoài phố hay trong trường học, các em đều có thể trồng những cây xanh nhỏ để tạo thêm những mảng xanh cho môi trường xung quanh.

Tại trạm cuối, các em sẽ được đo lường không khí bằng một thiết bị cầm tay tại nhiều địa điểm khác nhau, trong lớp học, sân trường, ngoài đường... để thấy được không khí xung quanh mình đang sống ở mức độ nào.

Em Tạ Nguyễn Thành Tài - Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho hay: Thật thú vị khi chúng em được trải qua những trạm dừng chân này, chúng em có thêm rất nhiều kiến thức, ý thức được việc quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường.

Trước mắt, bản thân em sẽ hạn chế sử dụng túi ni lông, chọn túi vải để đựng và phân loại rác cũng như chia sẻ với mọi người trong gia đình về việc này. Em cũng mong muốn những thông điệp trong Ngày môi trường được các bạn lan tỏa đến với càng nhiều người càng tốt.

Ấp ủ những dự định về môi trường

Là một trong số ít học sinh nhận được học bổng tham dự Ngày môi trường và phát triển bền vững năm 2016 do Viện Goethe tổ chức tại Đức, Bảo Trân - Học sinh lớp 11, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) - chia sẻ:

“Giao lưu với các bạn ở Đức, em cảm thấy các bạn ấy rất chững chạc, hiểu biết và dù bằng trang lứa của bọn em nhưng các bạn rất quan tâm, lo lắng đến vấn đề môi trường”.

Bảo Trân cũng cho hay, đó là lần đầu tiên được trải nghiệm uống nước sạch bằng vòi hay khi mang trả vỏ chai tại các siêu thị sẽ được hoàn tiền 25 cent. Sau lần tới Đức, Bảo Trân và người bạn đồng hành Trúc Anh đã ấp ủ dự định thành lập CLB nhằm gây quỹ để bảo vệ môi trường.

“Trước mắt, em vận động các bạn cùng trường tham gia, làm các đồ tái chế đi bán và gây quỹ, sau đó sẽ lên kế hoạch như tuyên truyền, tổ chức tổng vệ sinh một số nơi công cộng, liên kết với các bạn HS ở một số trường THPT khác như Nguyễn Thượng Hiền để tạo nên những ngày môi trường thu hút các bạn HS tham gia”.

Theo Bảo Trân, việc mà em làm đầu tiên sau khi tham gia ngày hội đó chính là thay đổi thói quen của mình như em dùng túi vải, mua nước uống đóng chai thường em gom lại để làm đồ tái chế, để trồng những cây xanh nhỏ, tiết kiệm điện, nước.

Bên cạnh đó thuyết phục mẹ, với các thành viên trong gia đình thay đổi quan điểm sử dụng túi vải, hạn chế tối đa việc sử dụng quá nhiều túi ni lông trong ngày, rồi đến việc phân loại rác…

“Em hi vọng mỗi bạn học sinh cũng như em và các bạn ở đây, sẽ là những tuyên truyền viên nhí góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ môi trường xung quanh”.

Ngoài việc hiểu biết thêm vấn đề bảo vệ môi trường, học sinh tham gia ngày hội đều có cơ hội để nâng cao vốn ngoại ngữ của mình. Tất cả các thông tin, bài test, trải nghiệm ở các trạm, đặt các câu hỏi, trao đổi với các giáo viên… đều sử dụng một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Anh.

Bà Krisin Kropidlowski - Giám đốc dự án trường học, đối tác tương lai thuộc Viện Goethe cho biết: Thông qua những ngày môi trường thực hiện ở các trường, chúng tôi muốn khuyến khích những người trẻ tuổi tiếp cận mạnh mẽ hơn với chủ đề Bền vững và Bảo vệ môi trường. Mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, bằng hành vi của mình, có thể góp phần tạo ra môi trường lành mạnh hoặc giữ gìn môi trường tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ