Đưa nước sạch, nhà vệ sinh về trường học vùng khó

GD&TĐ - Để chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, nhiều trường học ở vùng sâu, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các công trình nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch.  

Một khu nhà vệ sinh - nước sạch trường học mới được xây dựng
Một khu nhà vệ sinh - nước sạch trường học mới được xây dựng

Năm học mới này, thầy trò Trường PTDTBT THCS xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) có công trình nước sạch, nhà vệ sinh mới. Thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2013 trở về trước, trường được phụ huynh hỗ trợ hệ thống ống dẫn tự chế đưa nước suối từ đầu nguồn về, để ăn uống cũng như vệ sinh cá nhân.

Hệ thống nhà vệ sinh sử dụng chung toàn trường với 1 phòng có 2 bệ xí, không đáp ứng nhu cầu sử dụng cho gần 300 người. Năm 2014, các công trình trên xuống cấp nghiêm trọng, nhà trường phải huy động phụ huynh dựng tạm nhà vệ sinh bằng vách ván lợp tôn cho học sinh sử dụng. Còn nguồn nước sử dụng của trường gần như thiếu thốn quanh năm, do hệ thống ống nhựa dẫn nước bị mục nát, gây thoát nguồn nước đưa về. Điều này ảnh hưởng không ít đến mỹ quan, vệ sinh môi trường học đường.

Theo thầy Việt, trước các khó khăn trên, năm học 2016 - 2017, UBND huyện Tu Mơ Rông và ngành GD-Đ đã quan tâm đầu tư 1 công trình giếng khoan. Tiếp đến năm 2018, trường được đầu tư thêm 2 công trình nhà vệ sinh, bao gồm dãy nhà vệ sinh có bệ xí tách biệt dành cho học sinh nam, nữ và khu vực vệ sinh riêng của các thầy giáo, cô giáo. Tất cả công trình trên đều thi công có lắp đặt điều chỉnh, hỗ trợ các thiết bị lọc nước, bồn nước bằng inox đặt ngoài trời và dẫn nước đến nơi sử dụng an toàn, hợp vệ sinh trong khuôn viên trường.

Chung cảnh ngộ với Đăk Sao, học sinh lẫn giáo viên ở 10 điểm trường của Trường Tiểu học Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) bị thiếu nghiêm trọng nhà vệ sinh. Cô Nguyễn Thị Thêu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Linh nhớ lại, lúc đó (năm 2015), tính riêng điểm trường trung tâm có 1 nhà vệ sinh, nhưng qua thời gian đã bị hỏng, không sử dụng được; 9 điểm trường lẻ ở các thôn đều không có nhà vệ sinh.

Nhưng, mọi thứ đã đổi thay, cô Thêu cho hay, cuối năm 2017 đến hè 2018, nhà trường đã được các cấp quan tâm, đầu tư xây dựng mới 9 công trình nhà vệ sinh và hệ thống nước sạch đi cùng, phục vụ cho cô trò ở từng điểm trường tại làng. Riêng điểm trường chính có 1 công trình nhà vệ sinh với 2 dãy bệ xí dành riêng cho học sinh nam, nữ và 1 công trình nhà vệ sinh dành cho giáo viên.

Nói về đầu tư hệ thống nhà vệ sinh, nước sạch ở trường học trên địa bàn xã, ông A Hòa - Chủ tịch UBND xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) nhận xét, hai năm trở lại đây, các cấp quan tâm đầu tư nguồn vốn xây mới, cải thiện nhà vệ sinh, nước sạch nhằm đảm bảo phục vụ cho học sinh khi đến trường. Ngay ở địa phương, năm 2016 đến nay, 3 trường học bậc mầm non, tiểu học và THCS được đầu tư 8 công trình liên quan. Nhờ đó, đã giải quyết cơ bản nhu cầu thiếu nước sinh hoạt, vệ sinh cho gần 800 giáo viên và học sinh ở các điểm trường chính, cũng như điểm trường lẻ.

Ông Lê Hải Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết, từ tháng 12/2017 đến nay, ngành đã thực hiện phân bổ kinh phí 4,991 tỷ đồng sửa chữa, xây dựng mới 100 hạng mục nhà vệ sinh, giếng nước tại các cơ sở trường học trên địa bàn. “Ngành đã đi kiểm tra, tiến độ thực hiện các hạng mục công trình ở các trường đạt chung khoảng 90%” – ông Lâm cho biết.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã quan tâm, phân bổ kinh phí và lồng ghép nhiều chương trình dành cho giáo dục hơn 110,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, cải thiện tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Đến nay, nhiều trường học đã có công trình vệ sinh, nước sạch được xây dựng mới, đưa vào sử dụng ngay trong năm học mới này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.