Đưa di sản vào trường học

GD&TĐ - Sau nhiều năm biên soạn và thử nghiệm, năm học tới đây học sinh tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ bắt đầu được học chương trình giáo dục di sản.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chương trình và bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An” vừa được thành phố này cùng các cơ quan chuyên môn thông qua. Hội An là di sản đã và đang được thế giới biết đến và quan tâm. Cùng với công tác bảo tồn, Hội An yêu cầu phải xây dựng ý thức di sản cho thế hệ kế nghiệp trong tương lai.

Chương trình giáo dục địa phương đã được giảng dạy lồng ghép vào các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý ở chương trình giáo dục bậc THPT và THCS. Ngoài những kiến thức chung, học sinh được giảng dạy để hiểu biết về những sự kiện lịch sử quan trọng ở địa phương, những đặc trưng văn hóa, nền văn học dân gian nơi mình sinh sống.

Tuy nhiên, để học sinh cảm thụ những kiến thức này bằng trải nghiệm thực tế ở các di tích lịch sử - một phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn thì chưa được áp dụng nhiều để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tiếp thu.

Trên đất nước ta, hầu như ở địa phương nào cũng có di tích – lịch sử. Thế nhưng, rất ít học sinh và cả người lớn tuổi tường tận, hoặc ít ra là biết di tích đó gắn liền với nhân vật nào, thời nào? Khi người ta không biết gì về di tích, thì việc gìn giữ di tích đã khó, chưa nói đến phát huy giá trị lịch sử.

Một vị chuyên gia khảo cổ nói rằng, may là đa số di tích đều có yếu tố tâm linh gắn liền với thần thánh, Thành hoàng làng nên người ta sợ, chứ không đã bị phá nát từ lâu. Nhận xét này hơi cực đoan, nhưng phản ánh rất chính xác thực tế hiểu biết của người dân về di sản.

Đó có lẽ cũng là một trong những lý do để ngành văn hoá, cũng như các địa phương như Hội An xác định “phải xây dựng ý thức di sản cho thế hệ kế nghiệp trong tương lai”.

Đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học, là điều cần thiết trong chiến lược phát triển văn hóa. Tuy nhiên, làm thế nào để các bạn trẻ nhất là lứa tuổi học sinh hiểu và yêu di sản – đó mới là cái đích để cùng nhau gìn giữ và phát huy được giá trị lịch sử.

Mặc dù tới đây, các học sinh ở Hội An mới bắt đầu học chương trình giáo dục di sản. Tuy nhiên một số chuyên gia cảnh báo, nếu rập khuôn theo lối đánh giá người học qua điểm số thi cử, mà không “gieo” được tình yêu di sản trong họ thì sẽ là vô ích.

Người trẻ thường có xu hướng thích cái mới nên khá nhiều học sinh chưa hề nghe ca trù, không biết xẩm, chẳng mảy may quan tâm thế nào là hát ví dặm. Thậm chí có bạn trẻ không biết “di sản truyền thống” gồm những gì, và tại sao phải gìn giữ.

Giới thiệu văn hoá truyền thống tới thế hệ trẻ là một việc khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta có quyền tin tưởng vào thế hệ tương lai, cũng như tin vào tình yêu lẫn trách nhiệm của họ đối với di sản truyền thống mà cha ông để lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ