Đưa dân bản đi qua hủ tục

Đưa dân bản đi qua hủ tục

(GD&TĐ) - Sinh ra và lớn lên trên triền núi đầy khắc nghiệt, mùa mưa thì lũ quét, sạt lở, mùa rét thì lạnh thấu xương, đất đai khô kiệt. Chứng kiến cảnh dân bản như những cánh chim rừng di cư hết nơi này đến nơi khác, đất đai bạc màu, rừng núi ngày càng thu hẹp mà cuộc sống vẫn chưa hết khổ, Mã A Chảo đã quyết định thực hiện cuộc định cư ở vùng đất mới, cải tạo tập tục lạc hậu, đưa dân bản từng bước qua thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Ngày ấy, đất Kim Sáng Hồ, xã Pa Cheo (Bát Xát - Lào Cai) còn nghèo quá, nhìn đâu cũng chỉ thấy những mái nhà lụp xụp, bên nương lúa khô khốc, cả làng chỉ có 24 hộ dân sống lay lắt giữa lưng chừng núi, trong làng lại tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu: thách cưới, tảo hôn, khi ốm đau thì mọi người trong làng thuê thầy cúng, người và trâu bò đều ở chung, bệnh tật lây lan, trẻ con không biết đọc biết viết.

Ông Chảo thương bà con mình lắm nhưng chưa biết làm thế nào, “Phải chuyển xuống thấp, nơi có nguồn nước mới đảm bảo được cuộc sống lâu dài” suy nghĩ ấy đã hình thành trong đầu và ông quyết tâm thực hiện.

Nhưng không phải cái gì nghĩ ra và thực hiện là dân bản đồng ý ngay. Ngày Mã A Chảo thông báo chuyện rời làng xuống mảnh đất Kim Sáng Hồ này, cả bản ngồi nghe và nhiều người phản đối: Người Mông mình, mấy đời nay vẫn sống trên triền núi, chọc lỗ và gieo hạt, khi nào đất hết màu mỡ, dân bản lại đi, không thể ở một chỗ được, làm theo thằng Chảo cả bản sẽ chết đói thôi.

Lời của dân bản cứ ám ảnh trong đầu Mã A Chảo, nhiều đêm nằm nghe gió rít trong khe đá, thổi ù ù rồi lọt qua khe cửa mang theo cả hơi lạnh của núi rừng, ông Chảo nghĩ: nhất định mình phải làm bằng được.

Mấy hôm sau, ngày nào cũng thế người ta thấy Mã A Chảo xuống xã bàn bạc việc gì đó với mấy cán bộ, thì ra Chảo đã tính toán hết rồi, muốn đưa bà con từ trên núi xuống định cư ở vùng đất thấp trước hết phải có đất canh tác mà muốn đất canh tác thì phải có nước tưới.

Mã A Chảo đến hỏi ý kiến cán bộ xã, mấy anh cán bộ người Kinh nghe Chảo trình bày thì ngạc nhiên lắm vì không ngờ Chảo dám làm một việc lớn thế, ý của Chảo lại hợp với chủ trương định canh định cư của Nhà nước nên các anh đồng ý ngay. Thế là công văn lên huyện, lên tỉnh được gửi đi để xin kinh phí làm con mương dẫn nước vào khu đất mới.

Đêm đêm, người ta lại thấy Mã A Chảo đến từng nhà vận động dân bản chuyển xuống làng mới định cư lâu dài, thấy Chảo hứa là sẽ có nước tưới cho đất, có điện thắp sáng như dưới thị trấn, bà con vẫn chưa tin lắm nhưng mấy hôm sau, chiếc xe chở xi măng, chở gạch từ thị trấn rầm rầm kéo đến xã thì không ai nói gì nữa.

Mã A Chảo
Mã A Chảo bên đường ống dẫn nước vào bản định cư

Ngày con mương hoàn thành có lẽ là ngày Mã A Chảo vui nhất, dòng nước vàng, nước bạc từ trước đến nay cứ chảy từ trong rừng rồi theo khe suối đi mất nay đã được con mương đưa đi tưới cho cả khu đất dưới chân núi Kim Sáng Hồ, nước đi đến đâu Mã A Chảo hướng dẫn mọi người khai hoang, làm ruộng lúa nước đến đó.

Vụ đầu tiên, nhà Mã A Chảo gieo 25kg thóc giống, nhẩm tính sổ thóc lúa thu được cũng phải chất đất nhà, nhưng mọi chuyện không như dự tính, vụ đầu tiên ruộng chưa ngấu, lại thêm giống lúa địa phương năng suất thấp nên chỉ thu được chưa đến 30 bao.

“Làm thế này thì không bằng đốt nương, làm rẫy, cả bản bị đói theo thằng Chảo rồi” – bắt đầu xuất hiện những lời ra tiếng vào. Mã A Chảo buồn lắm nhưng muốn để dân bản tin thì mình không được nản, anh lặn lội sang các xã khác học cách người ta trồng lúa nước, trồng cây ngắn ngày xen cây dài ngày rồi nuôi lợn, nuôi trâu, bò lấy phân bón ruộng…

Vụ lúa sau, Mã A Chảo đưa giống lúa lai trên tỉnh về trồng thử, nhiều người trong bản đã có ý định trở về cuộc sống du canh du cư, điều ấy càng thôi thúc Chảo phải làm cho được. Tháng 9, khi những tràn ruộng bậc thang vàng óng, nhìn những bông lúa trĩu hạt, cong vút, Mã A Chảo vui lắm. Vụ mùa năm ấy, chỉ cấy có 15kg giống mà thu về hơn 60 bao, nhà Mã A Chảo chất đầy lúa, cuốc sống no đủ, lại có thêm nhiều tiền từ bán trâu, bò.

Dân bản thấy Chảo làm đúng kéo đến học tập và làm theo, chẳng bao lâu sau, cả làng nhà nào cũng trồng lúa nước, mạnh dạn chăn nuôi trâu, bò, đời sống khá dần lên. Điều đặc biệt, có những hộ ở tận Tả Giàng Phìn cũng tìm đến Kim Sáng Hồ định cư để được làm ruộng lúa nước, để có nhiều thóc lúc, trâu bò như Mã A Chảo.

Chuyện người dân nơi đây bỏ lối du canh, du cư gắn với họ qua bao thế hệ để về đây định cư đã là việc chưa ai nghĩ tới, nhưng chuyện Mã A Chảo vận động người dân bỏ đi tục thách cưới  cũng đáng ghi nhận. Theo tục lệ ở đây, mỗi khi có cưới phải tổ chức ba ngày, ba đêm, thách cưới cũng gần hai chục triệu. Mỗi lần như thế cả bản lại kéo đến ăn uống hết ngày này đến ngày khác, nhà khá giả thì không nói làm gì, đằng nay trong bản nhà nào cũng nghèo, cứ sau mỗi lần như thế kinh tế gia đình lại kiệt quệ, làm mấy năm vẫn chưa trả hết nợ.

Mã A Chảo đến nhà vận động thì người ta lại giở lý: Phải làm như thế thì con gái mới có giá, sau này không bị đánh đập. Ông kể: Lúc đi vận động, nhiều nhà đòi phạt mình vì làm trái ý tổ tiên. Chảo vẫn kiên trì vận động bằng được, trước hết là ngay trong họ hàng nhà mình, dần dần dân bản thấy làm theo Chảo thì con cái vẫn hạnh phúc mà cuộc sống thì no đủ nên dần thay đổi nhận thức.

Mã A Chảo làm được nhiều việc tốt cho dân bản, nên uy tín của ông ngày càng lớn, vinh dự hơn, từ năm 2006 đến nay, Mã A Chảo hai lần được bầu làm Bí thư chi bộ.

Thôn Kim Sáng Hồ bây giờ có 88 hộ dân với trên 500 khẩu, từ chỗ thiếu đói đến nay đời sống người dân đã khá hơn, trẻ em đến tuổi đi học được đưa đến lớp, các tập tục lạc hậu đã không còn. Hỏi Mã A Chảo từ trước đến này việc gì làm cho bản là thấy khó nhất - Việc khó nhất à, Mã A Chảo chỉ cười – chưa có việc gì khó cả, chỉ có quyết tâm làm cái tốt cho dân, cho bản mình hay không thôi!.

 Mạnh Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ