Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này sẽ cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa thiếu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Nhìn được tổng thể đội ngũ
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT (đơn vị chủ trì việc này): Đây là cơ sở dữ liệu lưu trữ đầy đủ thông tin của đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại 63 Sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT và 52.900 cơ sở giáo dục.
Trực tiếp khai thác cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nhận định: Việc dữ liệu ngành được xây dựng sẽ giúp các cơ quan quản lý ra quyết định quản lý chính xác và kịp thời. Đến thời điểm này, mặc dù đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ sở dữ liệu đã phục vụ rất tốt cho một số nhiệm vụ phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với một số bộ, ngành khác trong thời gian qua như thiết kế bảng lương mới cho đội ngũ nhà giáo; thu thập dữ liệu về bình đẳng giới; thống kế số lượng đảng viên trong đội ngũ giáo viên.
Có thể nói việc hình thành cơ sở dữ liệu lưu trữ đầy đủ thông tin của đội ngũ viên chức giáo dục là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Mỗi đơn vị khi đó sẽ được cấp một tài khoản quản trị để quản lý và sử dụng hệ thống cập nhật thường xuyên các thông tin. Như vậy với nguồn dữ liệu trên hệ thống sẽ giúp các cấp quản lý có thể tra cứu, khai thác được các thông tin về số lượng đội ngũ của từng cấp học theo từng tỉnh/thành phố, quận/huyện và nhà trường; theo chuyên ngành đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giới tính, dân tộc, đảng viên, trình độ ngoại ngữ, tin học.
Phân tích ý nghĩa của hệ thống dữ liệu này, Cục trưởng Hoàng Đức Minh, cho biết: “Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu, hoạt động thống kê đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện thông qua niên giám hàng năm, thường cuối năm sau mới có số liệu thống kê của năm trước. Điều này gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý”.
Theo các nhà quản lý giáo dục và giáo viên trực tiếp đứng lớp, việc xây dựng cơ sở dữ liệu này là hết sức cần thiết vì dữ liệu đội ngũ này được thực hiện bài bản, công phu và do trực tiếp các cơ sở giáo dục cập nhật nên chắc chắn sẽ đảm bảo tính chính xác cao. Bởi trong quá trình thực hiện, cấp phòng thẩm tra và duyệt dữ liệu từ các nhà trường, Sở GD&ĐT sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu của phòng, Bộ GD&ĐT sẽ thẩm tra và phê duyệt dữ liệu của các địa phương.
Cũng như vậy, cơ sở dữ liệu là kết quả đánh giá theo chuẩn đến từng tiêu chí và tra cứu hồ sơ chi tiết của từng nhân sự, hệ thống chỉ ra được thực trạng thừa - thiếu giáo viên theo định mức, theo môn học của từng trường học, quận/huyện và tỉnh/thành phố. Những thông tin chính xác và đầy đủ này sẽ giúp đánh giá năng lực đội ngũ, giúp các cấp quản lý tham khảo và đưa ra chiến lược đào tạo phù hợp.
Mỗi giáo viên sẽ được định danh
Nhà giáo Ưu tú Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Là một tỉnh miền núi biên giới đa dạng về địa lý, địa hình và yếu tố kinh tế - xã hội, việc xây dựng cơ sở dữ liệu có ý nghĩa vô cùng lớn, giúp ngành GD quản lý, điều hành hiệu quả hơn. Quảng Ninh đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo các tiêu chí đặt ra của Bộ GD&ĐT.
Với các thông tin đầy đủ trong hệ thống chắc chắn sẽ giúp ngành Nội vụ có cái nhìn chuẩn xác hơn về tình trạng đội ngũ giáo viên. Điều này không chỉ giúp ngành Nội vụ tham mưu với chính quyền đưa ra phương án giải quyết bài toán thừa - thiếu giáo viên ở từng địa phương mà còn giúp các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, đào tạo sư phạm, điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng chuẩn đội ngũ.
Cũng liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đội ngũ, tới đây, đó là việc mỗi giáo viên sẽ có mã số định danh riêng. Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho biết: Với việc hình thành cơ sở dữ liệu chung thì việc mỗi cán bộ, giáo viên có mã số định danh là việc cần thiết và nên làm.
Với những thông tin về ngành nghề, nghiệp vụ chuyên môn... chi tiết do chính giáo viên sẽ là người kê khai, bổ sung các thông tin cần thiết hay thay đổi thông tin nếu có, sẽ là nguồn tư liệu để cấp quản lý có thể tra cứu, khai thác được các thông tin về số lượng đội ngũ của từng cấp học theo từng tỉnh/thành phố, quận/huyện và nhà trường theo chuyên ngành đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Thêm nữa, cơ sở dữ liệu này cũng cho phép thống kê kết quả đánh giá theo chuẩn đến từng tiêu chí và tra cứu hồ sơ chi tiết của từng nhân sự. Đặc biệt, hệ thống chỉ ra được thực trạng thừa - thiếu giáo viên theo định mức, theo môn học của từng trường học, quận/huyện và tỉnh/thành phố.
Ở Nam Định, NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT kiến nghị: “Từ thực tế quản lý giáo dục nhiều năm trước tôi thấy việc thiếu hụt thông tin về tình hình đội ngũ, ngành nghề khiến cho việc ban hành chính sách cho giáo dục không đầy đủ, gây thiệt thòi cho các thầy cô và ảnh hưởng đến sự nghiệp chung. Chính vì thế, việc có một cơ sở dữ liệu đội ngũ chung, cũng như mỗi giáo viên có mã số định danh riêng là điều vô cùng cần thiết.