Đưa công nghệ vào đào tạo nhân sự ngành khách sạn

GD&TĐ - Trước sự khủng hoảng nhân sự trong ngành nhà hàng - khách sạn, nhiều trường ĐH tốp đầu về ngành này đang dạy thêm cho SV về lĩnh vực công nghệ, AI.

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM) được thực nghiệm tại khách sạn. Ảnh: HSU
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM) được thực nghiệm tại khách sạn. Ảnh: HSU

“Khát” nhân lực

Thống kê mới nhất (năm 2021) của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 550 khách sạn 4 - 5 sao, chiếm khoảng 18% số buồng phòng của toàn bộ hệ thống khách sạn, cao hơn tổng số lượng buồng phòng khách sạn được xếp hạng sao khác (1 - 3 sao, chưa tính homestay, biệt thự...). Song, nhân sự đã qua đào tạo phục vụ vận hành của hệ thống này đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VH,TT&DL), mỗi năm, ngành du lịch cần khoảng 40.000 lao động. Tuy nhiên, hiện số lượng sinh viên ra trường về lĩnh vực du lịch - khách sạn chỉ đạt khoảng 15.000 người mỗi năm (chỉ có hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên).

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho biết, trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, nhân sự giỏi ở các khách sạn có xu hướng chuyển nghề và có thể không quay lại ngành.

Chính vì vậy, lực lượng chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế ở các khách sạn 5 sao thiếu hụt rất nhiều, có những khách sạn thiếu 70 - 80%. Nhiều trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đang đào tạo thêm những khóa ngắn hạn nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế.

Trong buổi chia sẻ với chủ đề “Transformative Power For Life” diễn ra trong tháng 7 vừa qua tại TPHCM, ông John Daly, Giám đốc Học thuật Tập đoàn Swiss Education khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đang có sự khủng hoảng nhân sự trong ngành nhà hàng khách sạn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Hơn 3 triệu nhân lực đã rời khỏi thị trường lao động, mặc dù du lịch đã dần phục hồi nhưng nhân sự vẫn rất thiếu.

Các khách sạn lớn vẫn đang “săn lùng” nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, các trường học vẫn chưa đáp ứng được nguồn cung đang thiếu hiện tại. Theo báo cáo từ các tổ chức quốc tế, trong 10 năm tới, thế giới có thêm khoảng 26 triệu việc làm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và 60% việc làm mới là ở khu vực châu Á.

Ở Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 40% lượng nhân lực đủ yêu cầu. “Việt Nam hiện không phải là không có lao động, mà đang thiếu lao động chất lượng đáp ứng chuẩn quốc tế. Khách du lịch đang gia tăng những đòi hỏi về chất lượng trong các cơ sở nhà hàng, khách sạn. Nếu không đủ và đảm bảo chất lượng về nhân sự sẽ dễ mất du khách”, ông John Daly đưa ra nhận xét.

Dua cong nghe vao dao tao nganh khach san1.jpg
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Hồng Bàng (TPHCM) trong giờ học thực hành tại khu tổ hợp thực hành khách sạn ngay trong trường. Ảnh: HIU

Đưa công nghệ vào chương trình học

Ông Đào Mạnh Hùng cho biết, nhiều trường tại Việt Nam đang triển khai chương trình kết nối đào tạo với khách sạn, nhưng các khách sạn không cho sinh viên nhiều cơ hội thực tập mà chỉ ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”. Do đó, các trường phải ký kết hợp đồng phối hợp đào tạo gắn với thực hành cùng các khách sạn, liên kết với nhau chặt chẽ và có trách nhiệm hơn.

Ông Hùng đề xuất, để có được nguồn nhân lực chất lượng chuẩn quốc tế cần phải có một tổ chức quốc tế cấp bằng, không nên chỉ học ở các cơ sở đào tạo trong nước mang tính “tự cung tự cấp”. Ông gợi ý mô hình “hotel school” được thiết lập ngay trong khách sạn, giúp người lao động có cơ hội trải nghiệm thực địa.

Trong buổi chia sẻ với chủ đề “Transformative Power For Life”, đại diện nhiều trường đại học trong top 10 thế giới về đào tạo ngành nhà hàng, khách sạn (bảng xếp hạng QS 2025) đã cùng nhau bàn luận về việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành học này.

Ông La Tất Thành, Trưởng đại diện tại Việt Nam, Trường Quản trị du lịch và khách sạn IMI (Thụy Sĩ, hạng 17 thế giới về ngành nhà hàng, khách sạn - QS 2025) cho biết, nhiều bước tiến về công nghệ sau dịch bệnh Covid-19, trong đó có trí tuệ nhân tạo đòi hỏi chương trình đào tạo của các trường phải thay đổi theo.

“Trường IMI và nhiều trường tại Thụy Sĩ đang đưa các học phần về công nghệ cho sinh viên nhà hàng, khách sạn như digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số), các môn học về công nghệ và tiếp cận công nghệ mới. Sinh viên được học cách sử dụng các app, công cụ AI phân tích dữ liệu, thói quen của khách từ đặt phòng đến chi tiêu. Nhờ đó có thể tăng hiệu quả cho khâu dự đoán và đưa ra các quyết định ở vị trí quản lý. Khi ra trường, sinh viên có thể làm chủ và có tư duy phát triển công nghệ cho mình”, ông Thành cho biết.

Trong khi đó, ông Tarek Kouatly, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Sommet Education (sở hữu Trường Les Roches - đứng top 5 về ngành nhà hàng, khách sạn - QS 2025) cho biết, nhiều trường đang chuyển đổi một số học phần sang online để có thêm thời gian thực hành và tăng cường các nội dung thực tế mới cho sinh viên.

Các trường dạy nhiều hơn về công nghệ, chuyển đổi số, cách đưa công nghệ vào các dịch vụ nhưng không làm giảm tương tác giữa con người. Trường có dạy thêm nhiều học phần quan trọng như quản trị rủi ro, cung cấp cho học sinh những kiến thức và kỹ năng để họ có thể linh hoạt hơn trong những khủng hoảng như dịch Covid-19. Tiêu chuẩn xét tuyển của trường dựa vào điểm GPA và IELTS. Xét theo thứ tự từ trên xuống, có thể cộng thêm các tiêu chí bài luận, phỏng vấn.

“Sinh viên Việt Nam thường rất chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi và luôn chịu khó làm việc, có tinh thần nhiệt huyết nhưng hạn chế của họ là ngôn ngữ. Ngoài tiếng Anh, lao động nên biết thêm ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Đức... Sinh viên Việt Nam nên dành nhiều thời gian rèn luyện hơn về ngôn ngữ, tự tin hơn trong lớp học và khi giao tiếp”, ông Tarek Kouatly lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗ lực thao túng tâm lý phương Tây

Nỗ lực thao túng tâm lý phương Tây

GD&TĐ -Bất lợi trên chiến trường, Kiev tuyệt vọng kêu gọi hỗ trợ nhưng các kho vũ khí phương Tây hầu như không còn gì để viện trợ.