Đưa công nghệ Nhật Bản vào làm sạch sông Tô Lịch: Có hồi sinh được dòng sông chết?

GD&TĐ - Ngày 16/5, dự án tài trợ thí điểm đã triển khai trên khúc sông từ đường Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Người dân đang kỳ vọng việc đưa công nghệ hàng đầu Nano - Bioreactor Nhật Bản vào sẽ làm sạch dòng sông Tô Lịch. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, cách làm này tốn kém, lại không làm sạch dòng sông từ gốc.

Công nhân đưa công nghệ Nano - Bioreactor xuống xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Ảnh: IT.
Công nhân đưa công nghệ Nano - Bioreactor xuống xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Ảnh: IT.

Kỳ vọng hồi sinh sông Tô

Nhiều chục năm qua, dòng sông Tô Lịch vắt vẻo chạy qua nhiều quận đã trở thành dòng sông chết. Quanh năm mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Những chiếc bè lăn rác thả dọc hai bên sông mấy năm qua cũng không thể cải thiện được mùi xú uế.

Chính vì vậy, khi phía Nhật Bản tài trợ dự án đưa công nghệ Nano - Bioreactor vào giúp Thủ đô Hà Nội xử lý ô nhiễm trên dòng sông Tô được nhiều người ngóng đợi. Nhất là cư dân dọc hai bờ, nhiều đời nay đã phải hứng chịu tạp mùi mà dòng sông ô nhiễm mang lại.

Theo mẫu phân tích thì hiện tại, mức độ ô nhiễm của sông Tô Lịch cần giải quyết ba vấn đề cốt lõi, gồm mùi hôi thối, lớp bùn tích tụ dưới đáy và cải thiện chất lượng nước trong lòng sông. Phía Nhật Bản khi đề cập tài trợ xử lý thử nghiệm ô nhiễm trên sông Tô Lịch cũng đã khẳng định, hệ thống Nano - Bioreactor sẽ giải quyết triệt để các nguyên nhân trên.

Thậm chí, ông Tadashi Yamamura, chuyên gia môi trường Liên Hiệp Quốc, khẳng định không cần nạo vét cơ học, nhưng chỉ sau 3 ngày đưa công nghệ vào lòng sông, mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể và sau 2 tháng, các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Công nghệ Nhật Bản gồm hai tiến trình, thứ nhất là hiện nay nguồn nước chứa dưới đáy sông Tô Lịch bị yếm khí, phân hủy ra các chất gây mùi hôi. Do vậy, công nghệ của Nhật Bản đưa vào sục khí dưới đáy, sông sẽ bớt được mùi hôi.

Thứ hai, Nhật Bản dùng cơ chế hấp thụ, sản xuất từ tro núi lửa, hấp thụ được mùi và kết tủa các chất đục, cặn bã lơ lửng xuống đáy. Nhờ đó, sẽ làm trong hơn được nước dòng sông”.

Thực ra, theo PGS Phùng Chí Sỹ, công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản không đắt, việc sục khí phải tốn tiền điện. Tro núi lửa làm sạch tầng đáy, dùng một thời gian, hết ta phải mua. Rõ ràng nếu ta làm sạch sông Tô Lịch bằng phương án bình thường tự nhiên thì sẽ ít tốn kém hơn.

Như ở TPHCM, bấy lâu nay chống ô nhiễm cho sông Sài Gòn bằng cách làm hai đường ống thu gom nước thải trong khu dân cư dọc hai bờ sông chứ không cho xả thải trực tiếp xuống dòng sông như sông Tô Lịch hiện nay. Vì thế nước thải từ dân cư được tập trung để xử lý. Thứ hai, TPHCM dùng biện pháp thau rửa, dùng nước sạch chảy vào dòng. Hơn nữa, ở đấy nước thủy triều lên.

Vẫn còn băn khoăn

Công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản có thực sự cải thiện được dòng sông Tô Lịch vốn dĩ đã ô nhiễm bao nhiêu năm nay hay không? Câu hỏi này đã được một số chuyên gia giải đáp.

“Tôi cho rằng vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch đòi hỏi phải chặn được nguồn gây ô nhiễm từ nước thải vào. Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm trên mặt sông mới chỉ là phần ngọn. Do vậy, sau khi giải quyết xong, nước bẩn lại xả vào sông thì sông lại ô nhiễm.

Chính vì thế, người ta đưa ra công nghệ vào mới chỉ xử lý phần ngọn, còn lâu dài chúng ta phải khắc phục, phải chặn từ nguồn. Cụ thể, phải thu gom nước thải, sau đó mới xử lý chứ không nên xả thẳng vào sông Tô Lịch như hiện nay”, ông Sỹ chia sẻ.

Chia sẻ trên báo chí, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, mặc dù công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản là hiện đại, nhưng không thể coi đây là bảo bối vĩnh viễn giữ sạch dòng sông Tô. Điều quan trọng là muốn xử lý triệt để ô nhiễm dòng sông Tô Lịch, Hà Nội phải có giải pháp tổng thể xử lý rác thải và nước thải từ nguồn.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: “Bấy lâu nay Hà Nội đã để dòng sông Tô Lịch là dòng sông chết giữa thành phố. Vấn đề này, tại nhiều hội thảo môi trường, các chuyên gia đã đề cập, gợi mở các giải pháp để cứu sông nhưng lãnh đạo thành phố vẫn cơ bản “hứa” nhiều rồi để đấy, thậm chí không có giải pháp xử lý triệt để.

Vì vậy, nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm nặng. Theo tôi, Nano -Bioreactor là công nghệ hiện đại nhất hiện nay song công nghệ nano tốn tiền, cần phải làm thử, trong vòng 1 - 2 tuần. Nếu cho kết quả tốt thì Hà Nội sẽ nhân rộng đại trà. Còn nếu tốn kém mà không hiệu quả thì chúng ta sẽ dừng lại, tìm công nghệ khác cho phù hợp hơn”.

Việc đưa công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần cải tạo sông Tô Lịch không còn ô nhiễm, trả lại cảnh quan đẹp đô thị nói chung và cư dân dọc hai bờ sông nói riêng hay không, thời gian sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ