Đưa chương trình GD di sản vào nhà trường

Đưa chương trình GD di sản vào nhà trường

(GD&TĐ)-Đó là chủ đề của Hội thảo do Câu lạc bộ báo chí 59A Lý Thái Tổ (Hà Nội), Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hoá (CCH) thuộc Hội Di sản Văn hoá Việt Nam sẽ tổ chức tại Hà Nội vào ngày mai (7/3).

Giáo
Di sản văn hoá là tài nguyên vô tận để học suốt đời

Hội thảo “Giáo dục di sản trong nhà trường tại Việt Nam” có mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm từ những dự án giáo dục di sản với sự tham gia của các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn khác nhau và đặc biệt là những người đã trực tiếp thực hiện các dự án giáo dục di sản.

Nhằm khẳng định đóng góp của văn hoá cho phát triển và kỷ niệm 10 năm ngày Quốc tế Đa dạng Văn hoá, Đối thoại và Phát Triển; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) sẽ tổ chức Tuần lễ “Văn hoá và Phát triển” tại Hà Nội, từ ngày 5 đến 9 tháng 3 năm 2012.

Trong khuôn khổ Tuần lễ “Văn hoá và Phát triển”, một loạt các sự kiện sẽ diễn ra, bao gồm đối thoại chính sách, hội thảo, chiếu phim với sự tham gia của các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương, các cán bộ quản lý Di sản Thế giới, Khu Dự trữ sinh quyển và Công viên địa chất, các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng.

Trong những năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình khác nhau nhằm đưa di sản vào nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ những tri thức lịch sử, văn hoá, khoa học kỹ thuật và tăng cường kỹ năng sống. Nhiều mô hình giáo dục di sản trong nhà trường đã được xây dựng với sự phối hợp liên ngành, sự hỗ trợ cả về chuyên môn và vật chất. Dù đã đạt được những kết quả khác nhau, đa số các mô hình giáo dục di sản đều chưa được ngành giáo dục ghi nhận và sử dụng như một chương trình có tính bền vững.

Trong 2 năm 2010 và 2011, Văn phòng UNESCO Hà Nội (UNESCO) đã hỗ trợ kinh phí và phối hợp chuyên môn với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hoá (CCH) thực hiện Dự án thí điểm “Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hoá-lịch sử ở Hà Nội”. Dự án đã thực hiện ở hai trường trung học cơ sở Lê Ngọc Hân và tư thục Nguyễn Văn Huyên. 

Bên cạnh đó, UNESCO và CCH đã tổ chức Chương trình khảo sát, đánh giá lại một số dự án, mô hình và phương pháp tiếp cận giáo dục di sản trong nhà trường từ năm 2001 đến nay trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Mục đích của Chương trình này nhằm nhìn lại tổng thể, nghiên cứu và đánh giá các dự án để rút ra kinh nghiệm thực hành tốt, đồng thời để tìm ra nguyên nhân một số mô hình và dự án giáo dục di sản ít khả thi hoặc không bền vững. Từ đó, Chương trình sẽ đề xuất các khuyến nghị đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Di sản văn hoá là tài nguyên vô tận để học suốt đời. Đưa giáo dục di sản vào nhà trường phổ thông luôn là mục đích hướng tới không chỉ của riêng các nhà quản lý văn hoá, mà của cả các nhà quản lý giáo dục.

Giáo dục di sản trong nhà trường giúp học sinh nâng cao kỹ năng sống. “Trong giáo dục di sản, quan trọng nhất là phải làm sao để các em có cách tiếp cận đúng, từ đó có nhận thức và hành vi ứng xử phù hợp với di sản. Chẳng hạn, nếu được giáo dục tốt về di sản, chính giáo viên và học sinh sẽ là một lực lượng hùng hậu góp phần ngăn chặn làn sóng trùng tu, tôn tạo, phục hồi không tôn trọng giá trị lịch sử của di sản như hiện nay”.- PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa trao đổi.

Với sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa triển khai dự án “Nhà trường - Di sản và Bảo tàng” nhằm đưa việc giáo dục di sản vào trường học. Dự án được thực hiện ở hai trường THCS Lê Ngọc Hân và Tiểu học tư thục Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội). PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Dự án “Nhà trường - Di sản và Bảo tàng” với mục tiêu chủ yếu là hướng dẫn giáo viên và học sinh cách tiếp cận với di sản, biết cách khai thác và phát huy di sản ở quanh mình. Chúng tôi lấy 2 điểm làm mẫu cho dự án là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và chùa Láng ở Hà Nội. Tùy theo đối tượng học sinh mà có nội dung khác nhau. Với chùa Láng chúng tôi đang làm thí điểm ở cấp tiểu học thông qua việc hướng dẫn cho các em cách tìm hiểu đa dạng về ngôi chùa, từ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hệ thống cây trong chùa, các bức tượng hay những nhạc cụ được sử dụng trong chùa như trống, chuông, khánh, mõ… đến việc tiếp cận với tri thức từ các vị sư trụ trì.

Trong 30 phút còn lại của buổi học, dưới bóng mát của hàng cây cổ thụ trăm tuổi trước sân chùa Láng, các em bắt tay vào hoạt động cuối cùng là sáng tác nghệ thuật. Qua hoạt động này, học sinh tự mình “ghi lại” những câu chuyện và hình ảnh do các em tưởng tượng ra, những kiến thức mà các em thu nhận cho chính mình qua hoạt động tự học và những xúc cảm nảy sinh trong tâm hồn các em sau các hoạt động khám phá những “bí mật” của di sản.

Tại hội thảo về giáo dục di sản trong nhà trường do UNESCO tổ chức đầu tháng 3/2012, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học tại Việt Nam là công việc lâu dài và khó khăn. Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông. Trong đó có nội dung mỗi trường học nhận chăm sóc một di tích lịch sử, văn hóa hoặc cách mạng ở địa phương, góp phần làm sạch đẹp di tích, giới thiệu công trình đến bạn bè gắn với việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc. Giáo viên và học sinh các trường đang từng bước tiếp cận di sản để có cái nhìn và ứng xử đúng với di sản. Giáo dục di sản đã trở thành yêu cầu, nhiệm vụ, động lực đối với trường học, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ