Cơ hội trúng tuyển sớm nhờ ngoại ngữ
Mặc dù chưa thi tốt nghiệp THPT, thế nhưng, với lợi thế về ngoại ngữ, đến thời điểm hiện tại, em Hoàng Lê Kiên, học sinh lớp 12I1 trường THPT Chu Văn An đã dành được vé vào cổng trường đại học Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội qua bài thi đánh giá năng lực.
Kiên chia sẻ: “Em đã phải trải qua một bài phỏng vấn hoàn toàn bằng Tiếng Anh để chinh phục chương trình song bằng tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội”.
Để có được tấm vé trúng tuyển sớm, Kiên chuẩn bị cho mình chứng chỉ như SDT, IELTS. “Ngoài ra việc thành thạo giao tiếp bằng ngoại ngữ cũng giúp em tự tin hơn trong việc đăng ký vào ngành song bằng của trường và quan trọng nhất là trong bài phỏng vấn đầu vào”, Kiên cho hay.
Tương tự, Nguyễn Đình Việt Hưng, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, TP Hà Nội em cho biết: “Bản thân em thì cũng có dùng các chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học. Theo em thì tiếng Anh là ngôn ngữ được toàn cầu sử dụng, giúp chúng ta dễ dàng hòa nhập và phát triển năng lực”
Không chỉ trở thành điều kiện và lợi thế với nhiều kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường đại học. Thời điểm hiện tại, nhiều học sinh có chứng chỉ tiếng anh quốc tế cũng có thêm cơ hội trước ngưỡng cửa tuyển sinh.
Được biết, tính đến đầu tháng 3, đã có đến hơn 40 trường đại học thông báo, ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng và quy đổi điểm tiếng Anh đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Đơn cử, Trường ĐH Kinh Tế Quốc dành 30% cho việc xét tuyển dựa trên chứng chỉ tiếng anh quốc tế kết hợp với 2 môn thi. 20% dành cho việc xét tuyển chứng chỉ tiếng anh kết hợp điểm thi đánh giá năng lực.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải năm 2024 các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được cộng điểm ưu tiên.
Ông Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng đào tạo cho biết: Thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.5-5.0 được cộng 1 điểm ưu tiên; IELTS 5.5 được cộng 1,5 điểm ưu tiên; IELTS 6.0 được cộng 2 điểm ưu tiên; IELTS 6.5 được cộng 2,5 điểm ưu tiên, từ IELTS 7.0 trở lên được cộng 3 điểm ưu tiên”.
Song học không chỉ để có thêm cơ hội vào cánh cửa đại học, chuẩn bị một nền tảng ngoại ngữ tốt cũng là cơ hội giúp các học sinh, sinh viên mở ra cánh cửa việc làm. Bà Nguyễn Thanh Hiền - Phụ trách bộ phận tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: “Không những chỉ là học trong trường đại học, sau này là chúng ta đang toàn cầu hóa, chúng ta còn phải làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty, các viện nghiên cứu, các giáo sư. Cho nên khi các bạn có tiếng anh tốt sẽ là lợi thế rất lớn để các em tham gia được tốt các chương trình học tại nhà trường”.
20 phương thức xét tuyển đại học và chứng chỉ quốc tế
Hiện Bộ GD&ĐT quy định khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một trong số đó. Với việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nhằm tăng cơ hội, đảm bảo công bằng cho thí sinh ở mọi vùng miền.
Và phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã và đang được coi là xu hướng tuyển sinh lành mạnh, được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng.
TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). |
TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Bộ GD&ĐT vẫn có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nằm trong danh mục quy định. Tuy nhiên, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường
Những năm trước, danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp chỉ nêu trong hướng dẫn thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã đưa hẳn vào Quy chế thi (phần phụ lục). Điều này chứng tỏ sự quan tâm về chứng chỉ ngoại ngữ được nâng lên.
Thực tế, qua thống kê cho thấy, ngoại ngữ không chỉ có lợi thế trong tuyển sinh mà những sinh viên làm chủ ngoại ngữ sau khi ra trường có mức lương cao hơn, cơ hội việc làm và phát triển bản thân tốt hơn.